Thủ tướng Johnson đã chấp nhận từ chức 1 ngày sau phiên chất vấn hằng tuần tại Hạ viện Anh, nơi nhà lãnh đạo Anh hứng chịu "cơn bão" chỉ trích của các nhà lập pháp, trong có cả các thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền của ông.
Theo mạng tin The Guardian và hãng tin Reuters, ông Johnson đã đồng ý rút khỏi cương vị lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, đồng nghĩa với việc ông từ chức Thủ tướng Anh. Sau khi từ chức, ông Boris Johnson sẽ tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng tạm quyền tới khi đảng Bảo thủ bầu được nhà lãnh đạo mới vào mùa Thu này.
Trước đó, dù đối mặt với hàng loạt áp lực, Thủ tướng Boris Johnson vẫn bác bỏ lời kêu gọi của Công đảng đối lập kêu gọi tổng tuyển cử sớm, sau khi hơn hai chục quan chức cấp cao rời bỏ chính phủ của ông. Phát biểu trước một ủy ban Quốc hội, ông Johnson nói: "Tôi thực sự không nghĩ rằng bất kỳ ai ở đất nước này muốn các chính trị gia tham gia vào hoạt động bầu cử ngay bây giờ. Và tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải tiếp tục phục vụ cử tri của mình và giải quyết các vấn đề mà họ quan tâm".
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông dẫn nguồn tin từ Đảng Bảo thủ cho biết nhà lãnh đạo Anh ngày 7/7 đã đồng ý rút khỏi cương vị lãnh đạo đảng cầm quyền này, mở đường cho việc nước Anh sẽ có một thủ tướng mới vào mùa Thu năm nay.
Động thái này diễn ra sau hàng loạt diễn biến bất lợi cho chính phủ của Thủ tướng Johnson. Trong vòng chưa đầy 24h qua, ít nhất 50 bộ trưởng, quốc vụ khanh và các quan chức cấp cao trong chính phủ của ông Johnson đã đệ đơn từ chức.
Hãng tin Reuters cho hay trong số các quan chức cấp cao từ chức có Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, Bộ trưởng Y tế Sajid Javi, Bộ trưởng Môi trường Jo Churchill, Bộ trưởng Nhà ở Stuart Andrew, Bộ trưởng phụ trách Gia đình và Trẻ em Will Quince, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Ireland, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Bình đẳng, Nhà ở, Cộng đồng Michael Gove và Quốc vụ khanh phụ trách các tiêu chuẩn trường học Robin Walker...
Đây hầu hết là các đồng minh thân cận của Thủ tướng Johnson. Nhiều nghị sĩ từng ủng hộ Thủ tướng Johnson trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm cách nay 1 tháng cũng lên tiếng cho rằng giờ là thời điểm thích hợp để nhà lãnh đạo Anh ra đi.
Thủ tướng Johnson thời gian qua liên tiếp hứng chịu áp lực trên chính trường. Theo số liệu chính thức do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 22/6, lạm phát hằng năm của Anh đã lên mức cao nhất trong 40 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lương người lao động, giá cả sinh hoạt của người dân và tạo thêm sức ép đối với Ngân hàng trung ương Anh (BoE) trong việc duy trì nâng lãi suất.
Cụ thể, lạm phát tại Anh đã tăng từ mức 9% trong tháng 4 lên 9,1% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ năm 1982. BoE dự báo lạm phát có khả năng sẽ tăng lên mức 11% trước cuối năm nay do giá năng lượng tăng mạnh. Nhà kinh tế trưởng ONS Grant Fitzner cho biết nguyên nhân khiến lạm phát tăng lên là do giá thực phẩm leo thang trong khi giá xăng đạt mức kỷ lục.
Mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ đang kéo theo cuộc khủng hoảng về giá sinh hoạt. Tuần này, hàng chục nghìn công nhân đường sắt Anh đã tiến hành cuộc đình công lớn nhất của ngành trong hơn 30 năm, khiến hệ thống đường sắt “xứ sở sương mù” gần như tê liệt.
Áp lực tiếp tục gia tăng đối với đảng Bảo thủ và chính phủ của Thủ tướng Johnson. Kết quả cuộc bầu cử bổ sung ngày 24/6 cho thấy đảng cầm quyền đã để thua ở hai khu vực bỏ phiếu quan trọng là Wakefield cùng Tiverton và Honiton.