Hãng tin Reuters, tổ hợp truyền thông BBC cho biết Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ngày 5/7 đã tuyên bố từ chức trong Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Trong dòng trạng thái đăng trên trang mạng cá nhân Twitter, ông Rishi Sunak nêu rõ: “Công chúng mong đợi một cách chính đáng rằng chính phủ được vận hành hợp lý, nghiêm túc và hiệu quả. Tôi nhận thấy đây có lẽ là cương vị bộ trưởng cuối cùng mình đảm nhiệm, song tôi tin những tiêu chuẩn này xứng đáng để đấu tranh và đó là lý do vì sao tôi từ chức”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Javid cho biết ông mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Thủ tướng Johnson trong việc điều hành chính phủ sau một loạt bê bối, đồng thời khẳng định ông "không thể tiếp tục phục vụ hết lòng". Ông Javid cho biết thêm nhiều nghị sĩ và dân chúng đã mất niềm tin vào năng lực điều hành của Thủ tướng Johnson.
Theo hãng tin RT (Nga), trong lá thư gửi Thủ tướng Anh cùng ngày, hai vị bộ trưởng nội các đồng thời là những đồng minh lâu năm của ông Johnson trong đảng Bảo thủ cũng kêu gọi nhà lãnh đạo Anh từ chức vì cho rằng ông không còn phù hợp để lãnh đạo đất nước.
Diễn biến này có thể đẩy Thủ tướng Johnson và chính phủ của ông vào một vòng xoáy chính trị mới.
Tờ Thời báo Tài chính đưa tin Thủ tướng Johnson nói rằng ông hết sức bất ngờ và cảm thấy bị sốc trước quyết định từ chức của hai bộ trưởng nội các.
Việc hai vị bộ trưởng quan trọng trong Nội các Anh từ chức diễn ra đúng 1 tháng sau khi Thủ tướng Boris Johnson vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện nước này. Tại cuộc bỏ phiếu của Hạ viện ngày 6/6, với kết quả 211 phiếu ủng hộ (chiếm 59%) và 148 phiếu chống (tương đương 41%), ông Johnson đã nhận được một đa số tối thiểu ủng hộ (180 phiếu) tại Hạ viện Anh gồm 359 ghế để vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này.
Ông Boris Johnson, người giữ cương vị Thủ tướng Anh từ năm 2019, thời gian qua chịu áp lực ngày càng lớn liên quan đến những thông tin ông đã tổ chức tiệc tùng tại phòng làm việc và nhà riêng vào thời điểm nước Anh đang áp đặt các lệnh phong tỏa chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Hàng chục nghị sĩ trong đảng Bảo thủ đã bày tỏ lo ngại về hiệu quả lãnh đạo nước Anh, vốn đang đối mặt với nhiều vấn đề như nguy cơ suy thoái, giá nhiên liệu và thực phẩm gia tăng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng ngày đã nhanh chóng tiến hành cải tổ nội các, sau khi Bộ trưởng Tài chính Sunak và Bộ trưởng Y tế Javid bất ngờ thông báo từ chức. Theo đó, nhà lãnh đạo Anh đã bổ nhiệm Chánh văn phòng Thủ tướng Steve Barclay làm Bộ trưởng Y tế mới, trong khi Bộ trưởng Giáo dục Nadhim Zahawi được bổ nhiệm làm người thay thế ông Sunak. Đây là đợt cải tổ nội các thứ 11 của ông kể từ khi lãnh đạo Số 10 Phố Downing.
Thủ tướng Johnson thời gian qua liên tiếp hứng chịu áp lực trên chính trường. Theo số liệu chính thức do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 22/6, lạm phát hằng năm của Anh đã lên mức cao nhất trong 40 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lương người lao động, giá cả sinh hoạt của người dân và tạo thêm sức ép đối với Ngân hàng trung ương Anh (BoE) trong việc duy trì nâng lãi suất.
Cụ thể, lạm phát tại Anh đã tăng từ mức 9% trong tháng 4 lên 9,1% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ năm 1982. BoE dự báo lạm phát có khả năng sẽ tăng lên mức 11% trước cuối năm nay do giá năng lượng tăng mạnh. Nhà kinh tế trưởng ONS Grant Fitzner cho biết nguyên nhân khiến lạm phát tăng lên là do giá thực phẩm leo thang trong khi giá xăng đạt mức kỷ lục.
Mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ đang kéo theo cuộc khủng hoảng về giá sinh hoạt. Tuần này, hàng chục nghìn công nhân đường sắt Anh đã tiến hành cuộc đình công lớn nhất của ngành trong hơn 30 năm, khiến hệ thống đường sắt “xứ sở sương mù” gần như tê liệt.
Áp lực tiếp tục gia tăng đối với đảng Bảo thủ và chính phủ của Thủ tướng Johnson. Kết quả cuộc bầu cử bổ sung ngày 24/6 cho thấy đảng cầm quyền đã để thua ở hai khu vực bỏ phiếu quan trọng là Wakefield cùng Tiverton và Honiton.