Hãng tin Reuters và các phương tiện truyền thông Vương quốc Anh đưa tin, với kết quả 211 phiếu ủng hộ (chiếm 59%) và 148 phiếu chống (tương đương 41%), ông Johnson đã nhận được một đa số tối thiểu ủng hộ (180 phiếu) tại Hạ viện Anh gồm 359 ghế để vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này.
Phát biểu với báo giới sau khi kết quả bỏ phiếu được Chủ tịch Ủy ban 1922 Graham Brady công bố, Thủ tướng Johnson nói: “Tôi nghĩ đó là một kết quả thuyết phục, một kết quả mang tính quyết định. Ý nghĩa của kết quả này nằm ở chỗi, với tư cách là một chính phủ, chúng ta có thể tiếp tục và tập trung vào những vấn đề mà tôi cho rằng thực sự quan trọng đối với người dân... Chúng tôi có thể tập trung vào những gì chúng tôi đang làm để giúp mọi người về chi phí sinh hoạt, để xóa bỏ các dư âm của đại dịch COVID-19, giúp đường phố và cộng đồng an toàn hơn. Kết quả này cho chúng ta cơ hội để tiếp tục đoàn kết, tiến lên và củng cố nền kinh tế."
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng tuyên bố ông không quan tâm tới việc thúc đẩy một cuộc bầu cử trước thời hạn.
Ông Boris Johnson, người giữ cương vị Thủ tướng Anh từ năm 2019, thời gian qua chịu áp lực ngày càng lớn liên quan đến những thông tin ông đã tổ chức tiệc tùng tại phòng làm việc và nhà riêng vào thời điểm nước Anh đang áp đặt các lệnh phong tỏa chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Hàng chục nghị sĩ trong đảng Bảo thủ đã bày tỏ lo ngại về hiệu quả lãnh đạo nước Anh, vốn đang đối mặt với nhiều vấn đề như nguy cơ suy thoái, giá nhiên liệu và thực phẩm gia tăng.
Trong bối cảnh đó, các nghị sĩ trong Đảng Bảo thủ của ông Johnson đã tập trung đủ 15% số phiếu tối thiểu tại Hạ viện (tương đương 54 ghế) theo luật định để yêu cầu tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nhà lãnh đạo này trong ngày 6/6.
Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ đã lên tiếng ủng hộ Thủ tướng Johnson. Phát biểu trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, nghị sĩ Jesse Norman tuyên bố "đó không phải là một vụ Partygate". Các bộ trưởng nội các Rishi Sunak và Dominic Raab cũng lên tiếng kêu gọi các thành viên nội các bày tỏ ủng hộ ông Johnson.
Trước đó, vào ngày 12/1, Thủ tướng Johnson đã ngỏ lời xin lỗi sau khi thừa nhận tham gia một bữa tiệc tại vườn trong Dinh Thủ tướng trên đường Downing vào tháng 5/2020, thời điểm Anh đang áp dụng lệnh phong tỏa COVID-19. Mặc dù thừa nhận đúng ra đã phải hành động khác đi, nhưng Thủ tướng Johnson cũng cố gắng bào chữa khi cho biết ông chỉ tham dự bữa tiệc trong vòng 25 phút rồi quay trở lại làm việc. Ngoài ra, ông cho rằng bữa tiệc được tổ chức trong không gian rộng lớn ngoài vườn của Văn phòng Thủ tướng.
Kết quả bỏ phiếu trên được coi là một thắng lợi chính trị quan trọng của Thủ tướng Anh Johnson. Tuy nhiên, kết quả này cũng là một lời nhắc nhở đối với nhà lãnh đạo Anh khi tỷ lệ bỏ phiếu không tín nhiệm với ông lên tới 41%.
Năm 2018, cựu Thủ tướng Anh Theresa May cũng phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do không đạt được thỏa thuận rời Liên minh châu Âu (Brexit). Bà Theresa May nhận được 63% phiếu ủng hộ và 37% phiếu chống. Mặc dù vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này, song Thủ tướng Theresa May đã từ chức 1 năm sau đó.