Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi tạo thuận lợi cho hoạt động đi lại quốc tế

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại quốc tế thông qua việc công nhận các giấy chứng nhận vaccine của nhau trong bối cảnh dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu qua đường truyền video tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về COVID-19 do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì ngày 22/9, Thủ tướng Modi cho biết Ấn Độ đang tăng cường năng lực sản xuất các loại vaccine hiện có, nhưng lưu ý cần phải duy trì chuỗi cung ứng nguyên liệu để có thể nối lại việc cung cấp vaccine cho các quốc gia khác.

Ông nhấn mạnh Ấn Độ cũng cần tập trung vào việc giải quyết các tác động về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Để đạt được điều đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại quốc tế thông qua việc công nhận các giấy chứng nhận vaccine của nhau. Thủ tướng Ấn Độ đồng thời cho biết cùng với các đối tác trong nhóm Bộ tứ, Ấn Độ đang tận dụng thế mạnh sản xuất của mình để sản xuất vaccine ngừa COVID-19 cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Phát biểu trên được Thủ tướng Ấn Độ đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Anh cùng ngày công bố bản khuyến nghị về đi lại quốc tế được cập nhật, trong đó đưa vaccine Covishield của hãng AstraZeneca vào danh sách các công thức vaccine ngừa COVID-19 đủ điều kiện, song vẫn chưa công nhận giấy chứng nhận vaccine của Ấn Độ. Như vậy, Ấn Độ vẫn chưa được đưa vào “Danh sách Xanh” của Anh bao gồm 18 quốc gia, theo đó người Ấn Độ vẫn phải tuân thủ các quy định mà Anh áp dụng đối với những du khách "chưa tiêm chủng".

Liên quan vaccine ngừa COVID-19, Bỉ thông báo tặng 153.900 liều vaccine cho Uganda nhằm giúp quốc gia châu Phi này tăng cường chiến dịch tiêm chủng cho giáo viên và mở lại trường học cho hơn 10 triệu học sinh và sinh viên. 

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trước đó, ngày 2/8, Chính phủ Uganda đã chính thức đề nghị sự hỗ trợ của Trung tâm điều phối ứng phó khẩn cấp (ERCC) thuộc Cơ chế bảo vệ dân sự của Liên minh châu Âu (EU). Yêu cầu hỗ trợ bao gồm vaccine của AstraZeneca để tiêm liều thứ hai cho 162.026 giáo viên đã được tiêm liều đầu tiên và 100.000 liều vaccine của hãng Johnson & Johnson để tiêm chủng cho giáo viên ở các vùng nông thôn. Theo đó, 153.900 liều vaccine của AstraZeneca đã được đưa đến thủ đô Kampala của Uganda đêm 22/9. Việc vận chuyển số vaccine này do Đại sứ quán Bỉ tại Uganda và Cơ quan Phát triển Bỉ (ENABEL) thực hiện.

Trong những tháng gần đây, một làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19 đã xảy ra tại Uganda, đỉnh điểm là tháng 6 vừa qua ghi nhận 2.280 ca dương tính mỗi ngày và tháng 7 ghi nhận số ca tử vong cao nhất, lên đến 40 ca mỗi ngày. Tính đến ngày 17/9, mới chỉ có hơn 1,6 triệu người dân Uganda được tiêm ít nhất một liều vaccine trong tổng số dân khoảng 45 triệu người của nước này.

Số lượng vaccine phòng COVID-19 ở nước này vẫn ở mức tối thiểu và dưới mức trung bình của châu Phi. Để kiểm soát đại dịch, Uganda đã phải thực hiện các biện pháp quyết liệt, theo đó các trường học phải đóng cửa hoàn toàn trong gần 18 tháng qua.

Hương Giang (TTXVN)
Mỹ yêu cầu tất cả vận động viên dự các kỳ Olympic sắp tới phải tiêm vaccine 
Mỹ yêu cầu tất cả vận động viên dự các kỳ Olympic sắp tới phải tiêm vaccine 

Ngày 22/9, Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ (USOPC) thông báo tất cả các vận động viện nước này tham dự Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 sẽ phải tiêm vaccine phòng COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN