Nga đã chứng kiến các ca mắc biến thể Delta trong 2 tuần qua tăng vọt, buộc nhà chức trách công bố các biện pháp hạn chế chống dịch mới có hiệu lực từ ngày 28/6 tại Moskva. Phát biểu trên truyền hình, Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn.
Từ ngày 28/6, mọi cư dân thủ đô sẽ phải làm việc tại nhà, trừ những người đã được tiêm chủng. Người dân cũng sẽ phải xuất trình mã QR để vào nhà hàng, xác nhận rằng họ đã được tiêm phòng hoặc đã mắc COVID-19 trong 6 tháng qua hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Dịch bệnh bùng phát mạnh ở Nga - một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới - cũng đang khiến giới chức các nước lo ngại trong bối cảnh giải bóng đá EURO 2020 đang diễn ra, thu hút hàng nghìn người hâm mộ tới sân vận động theo dõi các trận đấu tại các quốc gia khác nhau trên khắp châu lục. Thành phố Saint Petersburg của Nga đã tổ chức 6 trận đấu và là địa điểm diễn ra một trong những trận tứ kết vào ngày 2/7 tới. Số lượng khán giả đã được giới hạn 50% song vẫn lên tới 26.000 người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Delta hiện đã có mặt ở 85 quốc gia và là biến thể dễ lây lan nhất trong số những loại được xác định cho đến nay.
Trong khi đó, cùng ngày, Italy đã chính thức bỏ quy định đeo khẩu trang trên khắp cả nước, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với quốc gia châu Âu đầu tiên phải hứng chịu đại dịch COVID-19 hồi tháng 2/2020.
Trong một sắc lệnh có hiệu lực vào ngày 28/6, Bộ Y tế Italy lần đầu tiên đã xếp tất cả 20 khu vực của Italy là "vùng trắng", có nghĩa là các vùng có nguy cơ thấp về COVID-19. Điều này đồng nghĩa là đeo khẩu trang sẽ không còn là quy định bắt buộc ở các khu vực ngoài trời.
Từng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 ở châu Âu, Italy đã chứng kiến số ca mắc và tử vong mới do COVID-19 giảm mạnh trong những tuần gần đây. Theo số liệu của chính phủ, tính tới ngày 27/6, khoảng 33% dân số trên 12 tuổi đã được tiêm chủng, tương đương 17.572.505 người. Bất chấp những thành quả chống dịch đã đạt được, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza khuyến cáo người dân vẫn duy trì cảnh giác trước nguy cơ xuất hiện các biến thể mới. Đến nay, Italy đã ghi nhận hơn 127.000 ca tử vong trong tổng số hơn 4 triệu ca mắc COVID-19.