Malaysia tăng cường hình thức làm việc tại nhà

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, các cơ quan cung cấp dịch vụ công tại 5 địa phương của Malaysia, nơi đang có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng nhanh, sẽ chỉ có tối đa 30% số cán bộ nhân viên đến làm việc kể từ ngày 22/10.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Putrajaya, Malaysia, ngày 19/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu với báo giới ngày 21/10, Tổng giám đốc Cục dịch vụ công Malaysia - ông Mohd Khairul Adib Abd Rahman cho biết, đây là một trong những biện pháp vừa được Hội đồng An ninh nước này thông qua nhằm đối phó với dịch COVID-19. 

Theo ông Mohd Khairul, quyết định hạn chế cán bộ nhân viên đến công sở nói trên trước mắt sẽ được áp dụng tại thủ đô hành chính Putrajaya, thủ đô Kuala Lumpur, bang Labuan, Selangor và Sabah. Đây là những địa điểm đang thực hiện Lệnh kiểm soát di chuyển có điều kiện (CMCO) kéo dài 2 tuần, bắt đầu từ ngày 13/10. Quyết định này sẽ chấm dứt sau khi CMCO kết thúc. Theo dự kiến, CMCO sẽ kết thúc vào cuối ngày 27/10, song cũng có thể kéo dài hơn tùy tình hình thực tế.

Ông Mohd Khairul đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc chính phủ tại những địa phương trên cần có kế hoạch phù hợp để cán bộ nhân viên của mình có thể làm việc tại nhà hoặc làm việc theo chế độ luân phiên. Trong khi thực hiện yêu cầu hạn chế số lượng, các đơn vị vẫn phải đảm bảo cung ứng các dịch vụ cơ bản cho người dân. Trong thời gian thực hiện CMCO, tất cả các cuộc họp, thảo luận hay hoạt động đào tạo nếu có, đều phải thực hiện theo hình thức trực tuyến.

Trước đó, ngày 20/10, Bộ trưởng cấp cao Ismail Sabri Yaakob tuyên bố, kể từ ngày 22/10, người lao động làm việc trong lĩnh vực quản lý và giám sát trong cả khu vực tư nhân và công ở 5 địa phương nói trên sẽ phải làm việc tại nhà. Theo Bộ trưởng Ismail, sẽ có khoảng 1 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi quyết định này, trong đó có 800.000 công nhân trong lĩnh vực công nghiệp và 200.000 công chức.

Sau cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp tại bang Sabah hồi cuối tháng 9, số ca nhiễm tại bang này tăng lên nhanh chóng. Sau đó, dịch bệnh nhanh chóng lan sang các bang khác của Malaysia.

Trong suốt những ngày qua, mỗi ngày Malaysia đều ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới. Tính đến hết ngày 20/10, nước này có tổng cộng 22.225 ca mắc COVID-19, trong đó 193 ca tử vong. Hiện Malaysia còn 7.681 trường hợp đang phải điều trị.

Đáng chú ý là do dịch bệnh tăng mạnh, một số bệnh viện tại bang Sabah đã có dấu hiệu quá tải khi có nhiều bệnh nhân trong những ngày qua đã phải chờ nhiều ngày mới được nhập viện. Điều này làm tăng nguy cơ tử vong cho các bệnh nhân do không được cứu chữa kịp thời.

* Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn thông báo của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) ngày 21/10 cảnh báo rằng Hàn Quốc có thể phải hứng chịu một đợt lây nhiễm gia tăng khác vào bất cứ lúc nào do các ca nhiễm lẻ tẻ tại các cơ sở có nguy cơ cao như viện dưỡng lão, cơ sở dạy thêm... vẫn đang xuất hiện trên toàn quốc.

Đặc biệt các ca không rõ đường lây nhiễm cùng với các ca nhập cảnh gia tăng từng ngày đang là yếu tố khiến cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Hàn Quốc gặp khó khăn. Chỉ tính riêng trong hai tuần qua, 13,7% tổng số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc có đường lây nhiễm không xác định và tỷ lệ lây nhiễm tập thể tăng lên 23,3%.

Chú thích ảnh
 Người dân di chuyển trên đường phố tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 12/10/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong bối cảnh học sinh đã quay lại trường học trên phạm vi toàn quốc song vẫn phát sinh các ca lây nhiễm tập thể rải rác khiến các trường học hay cơ sở dạy thêm có nguy cơ trở thành những điểm lây nhiễm tập thể mới. KCDA đã đề nghị các Sở Giáo dục, chính quyền địa phương các tỉnh thành phố trên cả nước, các bậc phụ huynh và toàn thể xã hội đồng lòng thực hiện đúng quy tắc phòng dịch tại trường học.

Cũng theo KCDA, sau khi ghi nhận một giáo viên của trung tâm dạy thêm ở quận Gangnam (Seoul) dương tính với virus SARS-CoV-2, chính quyền địa phương đã quyết định tiến hành xét nghiệm toàn bộ với trên 20.000 giáo viên, học sinh tại các cơ sở dạy thêm trên địa bàn.

Bên cạnh đó, bắt đầu từ tuần này, KCDA cho tiến hành xét nghiệm toàn diện với 160.000 nhân viên và bệnh nhân tại các viện dưỡng lão thuộc khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon) nhằm ngăn chặn kịp thời các ổ lây nhiễm tập thể mới. Từ ngày 22/10 tới, KCDA sẽ tiếp tục tiến hành rà soát đặc biệt về tình hình phòng dịch tại hơn 8.000 viện dưỡng lão trên quy mô toàn quốc và dự kiến kéo dài trong hai tuần.

Trong cuộc họp ngày 20/10 vừa qua, Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương Hàn Quốc cũng đã thảo luận về các quy tắc phòng dịch cụ thể nhằm đối phó với lượng người di chuyển đông trong mùa lá phong đổi màu như tăng cường quản lý danh sách đi xe khách du lịch, hạn chế ăn uống. Dự kiến, cơ quan chức năng Hàn Quốc sẽ công bố phương án bổ sung, điều chỉnh quy tắc phòng dịch cụ thể theo từng mức độ giãn cách xã hội vào cuối tháng này.

Theo số liệu thống kê của KCDA công bố cùng ngày, tính đến 0h ngày 21/10, Hàn Quốc phát sinh thêm 91 ca nhiễm mới (gồm 57 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 34 ca nhập cảnh), nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 25.424 ca,  Đây là ngày thứ sáu liên tiếp số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc dừng ở mức hai con số.

Hoàng Nhương - Anh Nguyên (TTXVN)
Đại dịch COVID-19 đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển trong thị trường lao động
Đại dịch COVID-19 đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển trong thị trường lao động

Trong 5 năm tới, robot sẽ cướp đi 85 triệu việc làm tại các doanh nghiệp quy mô lớn và vừa. Những thay đổi tại nơi làm việc đó là nhờ "cú hích" từ đại dịch COVID-19. Đây là kết quả thăm dò và nghiên cứu do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện đối với gần 300 công ty toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN