Abigail Bautista trước đây thường phải ra khỏi nhà vào lúc 9h sáng mỗi ngày để tới văn phòng. Nhưng hai tuần qua, người quản lý một thương hiệu tiêu dùng có trụ sở tại Manila (Philippines) này chỉ làm việc trong phòng ăn cùng chiếc máy tính xách tay 13 inch.
Giống hàng triệu nhân viên văn phòng khác trên khắp thế giới, Bautista phải làm việc tại nhà (WFH) khi chính quyền địa phương áp đặt lệnh phong tỏa và cách ly nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Tuy nhiên, một số yếu tố như tốc độ Internet chậm, không có máy tính xách tay hay không có sự tin tưởng từ cấp trên đã khiến những nền kinh tế mới nổi châu Á gặp khó khăn trong quá trình thích nghi với mô hình làm việc tại nhà.
“Tôi có người bạn không có đường truyền Internet ổn định tại nhà và phải qua nhà hàng xóm để làm việc trực tuyến. Điều này hoàn toàn đi ngược với mục đích ban đầu của phương thức làm việc ở nhà để đảm bảo an toàn”, báo Bưu điện Hoa Nam Buối sáng (SCMP) dẫn lời chia sẻ của Bautista.
Đối với ngành dịch vụ thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO), các vấn đề phát sinh từ mô hình làm việc tại nhà lại càng đặc biệt nghiêm trọng.
Tại Philippines và Ấn Độ - hai trung tâm BPO hàng đầu thế giới, khi lệnh phong tỏa có hiệu lực, các công ty bắt đầu áp dụng mô hình làm việc tại nhà. Một trong số đó là TaskUs, vừa có trụ sở tại Philippines vừa có văn phòng tại Ấn Độ.
Công ty này phát máy tính mới cho một số nhân viên, trong khi cho phép những nhân viên khác mang máy công ty về nhà làm việc. Nhân viên không có kết nối Internet cũng được phát một thiết bị phát sóng WiFi kết nối với mạng của công ty. Công ty cho biết vấn đề cốt lõi ở đây là phải trấn an cho cả nhân viên và khách hàng rằng “công việc vẫn diễn ra như thường”. Nhân viên cần biết công việc của họ được đảm bảo trong khi khách hàng phải được thông báo dịch vụ không bị ảnh hưởng.
“Chuyển đổi phương thức làm tại nhà không hề dễ dàng. Thật sự là chưa từng có tiền lệ và mọi chuyện xảy ra quá nhanh. Chúng tôi phải phải đối phó với các vấn đề hậu cần và các chính sách khác nhau của chính phủ”, Bryce Maddock - Giám đốc điều hành TaskUs – cho hay.
Một trong những thách thức mà các công ty phải đối mặt trong việc đảm bảo năng suất khi làm việc tại nhà là tốc độ đường truyền Internet chậm.
AjayAcharya, quản lý kinh doanh của một công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ), cho biết kết nối băng thông tại nhà của anh được cho là xử lý tốc độ lên tới 50 Mbps nhưng thực tế chỉ dừng ở mức 1 Mpbs.
“Kết nối Internet kém thực sự ảnh hưởng tới công việc của tôi. Tôi phải phụ thuộc vào thiết bị phát WiFi mà công ty phát cho, nhưng đường truyền tối đa cũng chỉ 10 Mbps và nó phụ thuộc kết nối điện thoại”, Acharya giải thích.
Một nhân viên bảo hiểm tại văn phòng Philippines của một công ty dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu nói rằng anh thường sử dụng đến hai màn hình và kết nối Internet liên tục để làm việc. Nhưng hiện tại anh phải làm việc trên một máy tính xách tay và chia sẻ đường truyền Internet với vợ - người cũng đang làm việc ở nhà.
Một vấn đề khác mà ngành kinh doanh gặp phải khi làm việc tại nhà là sự gián đoạn từ một bộ phận. Chỉ cần một liên kết xấu có thể ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi hoạt động kinh tế. Paul Rivera, điều hành công ty khởi nghiệp Kalibrr ở Manila, đã yêu cầu toàn bộ trên 100 nhân viên làm việc tại nhà. Tuy nhiên, để đội bán hàng của anh làm việc hiệu quả, phía khách hàng cũng cần phải tăng tốc.
“Chúng tôi nhận ra sự bất cân xứng trong ngành này. Trong khi các công ty công nghệ như chúng tôi có thể tiếp tục hoạt động thì phần lớn khách hàng không thể làm được do không có đủ trang thiết bị hoặc không đủ tin tưởng vào nhân viên”.
Một giáo viên dạy tiếng Anh sống tại thủ đô Jakarta (Indonesia) cho biết ông chủ của mình không cho nhân viên làm việc 100% tại nhà, mặc dù số ca mắc COVID-19 mới tại quốc gia tiếp tục gia tăng.
“Từ tuần thứ 2 của tháng Ba, các lớp học đã bị đóng cửa, song giáo viên vẫn phải đến trường báo cáo 3 lần một tuần. Chúng tôi có thể làm việc từ xa và có máy tính xách tay nhưng họ vẫn muốn chúng tôi đến trường. Điều này khiến tôi cảm thấy khó chịu và nó ảnh hưởng đến tinh thần của tôi”, nữ giáo viên chia sẻ.
Đối với Bautista, ba lần mỗi ngày, cô đều nhận được các cuộc điện thoại từ phòng nhân sự để kiểm tra tiến độ công việc. “Phần công việc mà tôi làm tại nhà bây giờ còn nhiều hơn so với khoảng thời gian trước khi cách ly”, Bautista nói.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng một số doanh nghiệp vẫn nhìn ra tương lai cho mô hình làm việc tại nhà. Yvette Fernandez, Phó Giám đốc Summit Media phụ trách kênh truyền hình về phong cách sống tại Philippines, cho biết từ năm ngoái, công ty của cô đã thực hiện chính sách làm việc tại nhà 2 ngày/tuần. “Mục đích chính của chính sách là giúp nhân viên không phải chịu đựng cảnh ách tắc giao thông mỗi ngày. Chính vì vậy, chúng tôi đang nghĩ đến chính sách làm việc tại nhà hoàn toàn”.