Thông tin cá nhân 62 triệu cử tri Mỹ bị rao bán

Một công ty an ninh mạng Israel đã phát hiện ra điều này chỉ vài ngày trước khi cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ diễn ra vào ngày 6/11 - thời điểm hàng triệu công dân Mỹ tới các điểm bỏ phiếu để chọn lựa các nghị sĩ.

Chú thích ảnh
Cử tri bang Ohio đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2018. Ảnh: AP

Đài Sputnik dẫn bài viết trên báo Haarets đưa tin, công ty an ninh mạng Israel ClearSky Cyber Security đã tìm thấy một kho dữ liệu trên trang mạng đen Darknet Dream Market chứa thông tin chi tiết của 62 triệu cử tri Mỹ thuộc 17 bang trong tổng số 110,9 triệu cử tri đăng ký bỏ phiếu.

Thông tin chi tiết của những cử tri này, bao gồm họ tên đầy đủ, ngày sinh, giới tính, số điện thoại, địa chỉ sinh sống và tư tưởng chính trị của các cử tri, có thể được mua bằng đồng USD hoặc tiền ảo Bitcoin. Dữ liệu bị đánh cắp bao gồm tên hàng triệu cử tri được rao bán với khung giá thống nhất rơi vào khoảng 10,39 USD (khoảng 230.000 đồng).

Theo CEO ClearSky, ông Boaz Dolev, công ty phát hiện ra vụ rao bán thông tin từ tuần trước, sau khi có báo cáo từ hồi tháng 6 chỉ ra thông tin cử tri bị rò rỉ trên trang web đen – một thuật ngữ chỉ những trang web bị mã hóa không thể tìm thấy bằng công cụ tìm kiếm thông thường và thường chứa những nội dung trái phép.

“Trong quá trình theo dõi, chúng tôi phát hiện các thị trường dữ liệu đen bán thông tin cá nhân của cử tri Mỹ ngay trước thềm bầu cử giữa kỳ. Kho dữ liệu đó khá cập nhật. Có một vài dữ liệu cập nhật lần cuối là vào năm 2017, một số khác thì cập nhật năm 2015”, ông Boaz giải thích.

Theo chuyên gia an ninh mạng trên, những người chịu trách nhiệm bảo vệ quyền riêng tư của công dân Mỹ cũng như các nước khác cần phải bảo vệ thông tin cá nhân tốt hơn, hoặc nếu không sẽ phải đối mặt với tình trạng "các nhân tố chính trị muốn tác động đến cử tri tiềm năng và bị các thế lực thù địch lợi dụng”.

Trước cuộc bầu cử giữa kỳ tổ chức ngày 6/11, Mỹ đã cáo buộc một số quốc gia, bao gồm Nga, Trung Quốc, Venezuela, Iran và Triều Tiên tìm cách can thiệp vào cuộc bỏ phiếu giữa kỳ.

Tuần trước, một trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ cho rằng Mỹ nên tấn công mạng nhằm vào Nga nếu có bằng chứng Nga can thiệp trong cuộc bầu cử năm 2018. Nga đã phủ nhận tất cả các cáo buộc, đặc biệt là cáo buộc can thiệp bầu cử năm 2016, và nhấn mạnh Mỹ không có bằng chứng.

Ngày 2/11, Bộ An ninh Nội địa báo cáo cơ quan này đã không phát hiện bất kỳ âm mưu nào của các quốc gia nước ngoài nhằm thâm nhập cơ sở hạ tầng bầu cử của Mỹ trước cuộc đua 2018.

Sáng 6/11 theo giờ bờ Đông của Mỹ (tức chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam), hàng triệu cử tri trên khắp nước Mỹ đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, sự kiện được đánh giá là cuộc trưng cầu dân ý đối với 2 năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Trump.

Cho đến 18h cùng ngày, các điểm bỏ phiếu đầu tiên trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 của Mỹ đã đóng cửa.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tổng thống Trump làm gì trong ngày bầu cử giữa kỳ?
Tổng thống Trump làm gì trong ngày bầu cử giữa kỳ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump được cấp dưới cập nhật về diễn biến cuộc bầu cử giữa kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN