Trước đó, hôm 11/9, Điện Kremlin thông báo Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đến thăm Nga để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin trong vài ngày tới. Đến sáng 12/9, truyền thông nhà nước Triều Tiên xác nhận thông tin này.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin: “Đồng chí Kim Jong-un kính yêu của chúng ta sẽ đến thăm Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin. Trong chuyến thăm này, ngài sẽ gặp Tổng thống Putin và tổ chức hội nghị thượng đỉnh”.
Hãng Fox News (Mỹ) đưa tin rằng dự kiến 2 ngày sau khởi hành, chuyến tàu chở Chủ tịch Kim Jong-un sẽ đến thành phố Vladivostok của Nga. Trong khi đó, theo hãng TASS, Tổng thống Putin đã bắt đầu chuyến thăm kéo dài 2 ngày đến Vladivostok để dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế Phương Đông lần thứ 8 (EEF 2023) .
Nhà phân tích quân sự Rebekah Koffler từng làm việc tại Cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định với Fox News rằng mối quan hệ gần gũi hơn giữa Nga và Triều Tiên sẽ "mang ngụ ý chiến lược đối với an ninh Mỹ”. Ông Koffler tin cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga và Triều Tiên sẽ gửi một thông điệp rõ ràng về thách thức đối với phương Tây.
Ông Koffler nhấn mạnh: “Hai đối thủ hàng đầu của chúng ta hợp lực, mở rộng hợp tác công nghiệp quân sự. Nga sở hữu một trong những kiến thức bao quát nhất thế giới về công nghệ vũ trụ và vũ khí hạt nhân. Việc Nga chia sẻ kiến thức này với Triều Tiên không phải là tin tốt với Mỹ. Thực tế rằng hai nước này còn có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc khiến vấn đề càng nghiêm trọng”.
Theo nhà phân tích này, hợp tác giữa Triều Tiên và Nga sẽ đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia với Moskva cung cấp cho Bình Nhưỡng thực phẩm và vaccine COVID-19. Đổi lại, Triều Tiên có thể gửi vũ khí đạn dược cho Nga. Bên cạnh đó, Nga cũng có thể giúp đỡ nhiều cho quân đội Triều Tiên. Ông Koffler lý giải: “Nga là một trong những nước đứng đầu thế giới về công nghệ hạt nhân, vệ tinh, tên lửa, phóng vũ trụ và có Moskva có thể giúp Bình Nhưỡng đẩy mạnh cơ sở công nghệ công nghiệp quốc phòng”.
Vào tháng 8, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby cho biết cơ quan này nhận được thông tin rằng trong những tháng tới có thể diễn ra nhiều đàm phán, thảo luận cấp cao với Nga sẽ nhận được vũ khí từ Triều Tiên. Tuy nhiên, phát ngôn viên NSC Adrienne Watson lại nhấn mạnh rằng mặc trong quá khứ, Triều Tiên từng bày tỏ không sẵn sàng bán vũ khí cho Nga.
Ông John Everard, cựu Đại sứ Anh tại Triều Tiên, lại có quan điểm rằng nếu chỉ vì thỏa thuận vũ khí thì chưa đến mức cần phải tổ chức cuộc gặp ở cấp nguyên thủ quốc gia. Hơn nữa, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 7.
Theo ông Everard, nhiều khả năng hội nghị thượng đỉnh sẽ mang nhiều tín hiệu. Ông Everard phân tích rằng Tổng thống Putin muốn được coi trọng trên trường quốc tế với tư cách là nhà lãnh đạo một cường quốc. Việc bị loại khỏi các thể chế với phương Tây sau xung đột Nga-Ukraine khiến ông Putin tìm các hình thức thay thế khác như Liên minh kinh tế Á-Âu và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) để khẳng định ảnh hưởng của Nga. Và ông Everard cho rằng hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ giúp ông Putin thêm nổi bật trên truyền thông thế giới.
Cùng quan điểm này, giám đốc Viện Kennan thuộc Trung tâm Wilson trụ sở tại Mỹ - ông William Pomeranz nói: “Ưu tiên chính của ông Putin là muốn được nhìn nhận”.
Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã diễn ra năm 2019 tại thành phố Vladivostok, cách Bình Nhưỡng 680 km về phía Bắc.