Theo Báo cáo cập nhật Chỉ số đói nghèo đa chiều (MPI) 2023 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Thái Lan là nước đạt nhiều tiến bộ nhất về xóa đói giảm nghèo trong khu vực Đông Nam Á, với MPI đạt 0,002 - thấp nhất trong số các nước ASEAN được khảo sát. Kết quả ấn tượng này có được là nhờ trong suốt những năm qua, Chính phủ và Hoàng gia Thái Lan đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để giúp những người nông dân nghèo tăng thu nhập và thoát khỏi sự nghèo đói đeo bám, mà mô hình dự án hợp tác nông nghiệp “Làng Gajanurak” là một ví dụ.
Khi tới thăm một khu dân cư ở xã Baan Nong Krating, huyện Sanam Chai Khet, tỉnh Chachoengsao miền Đông Thái Lan, phóng viên TTXVN đã có dịp tham quan các khu vườn trồng rau của bà con trong xóm. Từng khoảnh vườn xanh mướt, trồng đủ loại các loại rau trái như bầu, bí, mướp, đỗ cho tới các loại rau gia vị như chanh, ớt, húng quế, mùi tàu… nằm xen kẽ nhau bên những rặng chuối, đu đủ cùng những giàn cà chua đang cho quả lúc lỉu vô cùng thích mắt.
Nhìn khung cảnh vườn tược tươi tốt hiện tại, ít ai ngờ được chỉ một vài năm trước, nơi đây từng là một vùng đất hoang không thể canh tác nông nghiệp và thường xuyên bị voi rừng quấy phá. Với mong muốn giải quyết hài hòa vấn đề bảo tồn voi rừng cũng như đảm bảo an toàn và sinh kế cho người dân sống quanh đó, từ năm 2019, Hoàng gia Thái Lan đã bảo trợ thực hiện “Dự án Bajarasudha Gajanurak” ở 5 tỉnh miền Đông, bao gồm cả Chachoengsao, nhằm thiết lập một môi trường sống có nguồn thức ăn và nước uống cho voi, một vùng đệm ngăn voi rừng tấn công người dân và phá hoại mùa màng, và một vành đai ngoài cùng tập trung vào phát triển cộng đồng cũng như nâng cao nhận thức và tạo sự hiểu biết của người dân địa phương về hành vi của voi hoang dã.
Dự án Bajarasudha Gajanurak đánh giá vành đai thứ ba này là cần thiết trong việc giúp khuyến khích sự tham gia của người dân địa phương vào các nỗ lực của chính quyền để giảm nguy cơ đối đầu với voi hoang dã, đồng thời tạo sinh kế cho những người nông dân nghèo sinh sống gần các khu bảo tồn voi.
Trong khuôn khổ dự án, với sự hỗ trợ của Viện thông tin Nông nghiệp và Thủy lợi Thái Lan và chính quyền địa phương, bà con nông dân trong xã Baan Nong Krating đã được mời tham gia dự án “Làng Gajanurak”, theo đó họ được chia đất trên vành đai thứ ba để canh tác. Bà Prathum Panakurn, trưởng xóm 20, cho biết: “Đây là khu vực đất công có diện tích 17 rai (khoảng gần 3 ha). Chúng tôi bốc thăm để chia thửa cho bà con trong xóm. Mỗi hộ tham gia sẽ được chia một thửa đất khoảng 750 m2. Hiện tại, có khoảng 35 gia đình trong xóm tham gia dự án này”.
Phần lớn những nông dân tham gia dự án đều là những người nghèo, không có đất làm ruộng. Khi tham gia dự án, họ được chia đất để trồng trọt mà không phải trả phí thuê đất. Người dân cũng được hỗ trợ tiền nước tưới tiêu và chỉ phải trả 2 baht cho mỗi khối nước sử dụng.
Theo bà Prathum Panakurn, kể từ ngày tham gia dự án, những nông dân nghèo như bà không còn phải đi xa làm thuê nhỏ lẻ kiếm 200 - 300 baht/ngày (5,5 - 8,3 USD) nữa mà ở nhà trồng cây rau củ quả và có thêm nguồn thu nhập tốt cho cuộc sống. Bà chia sẻ nguồn thu từ những mảnh ruộng được chia này giờ đây trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình, cá biệt có những hộ đạt thu nhập lên tới 30.000 - 40.000 baht/tháng (550 - 830,5 USD).
Tiến sĩ Royboon Rassameethes, Phó Giám đốc Viện thông tin Nông nghiệp và Thủy lợi Thái Lan, cho biết dự án “Làng Gajanurak” được triển khai thí điểm ở 8 làng, sau đó mở rộng thêm 43 làng nữa. Hiện nay, tổng cộng 51 làng đã triển khai mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu này, chiếm 17% trong tổng số 299 làng bị ảnh hưởng của nạn voi rừng tấn công.
Dự án nông nghiệp “Làng Gajanurak” ở xã Baan Nong Krating chỉ là một trong số rất nhiều dự án hỗ trợ người nông dân đang được triển khai tại Thái Lan. Cùng với các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ nhằm giảm gánh nặng cho người nghèo, cũng như các biện pháp nhằm tăng sức mua và giảm các khoản phí tiện ích, những dự án này đã góp phần rất lớn trong thành tựu giảm nghèo của Thái Lan. Theo Báo cáo cập nhật MPI 2023 của UNDP, chỉ trong 7 năm từ 2012 - 2019, số người nghèo tại Thái Lan đã giảm một nửa từ 961.000 xuống chỉ còn 412.000 người. Thái Lan được xếp là một trong 25 quốc gia giảm 50% giá trị MPI toàn cầu trong vòng 15 năm.
Giảm bớt gánh nặng nợ cho người nông dân và thúc đẩy họ làm ăn, vượt lên thoát nghèo cũng là một trong những ưu tiên của chính phủ mới của Thủ tướng Srettha Thavisin, khi ông đề ra kế hoạch giãn nợ cho nông dân cũng như phân phát 10.000 baht cho mọi công dân từ 16 tuổi trở lên để kích thích chi tiêu. Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Ủy ban Phát triển kinh tế - xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) cũng nêu một trong những ưu tiên của chính phủ là hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân, bằng cách bảo vệ và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là quản lý nước đủ cho canh tác, cũng như cảnh báo trước trong khu vực có thể gặp hạn hán; phân bổ thêm phần thu nhập từ nông sản cho nông dân; hỗ trợ các biện pháp giảm thiểu rủi ro cho nông dân theo chương trình bảo hiểm cây trồng hiệu quả trước biến đổi khí hậu; và giảm nhẹ tác động từ chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao.
Đây cũng được xem là định hướng để giúp các hộ gia đình nông thôn cải thiện năng suất nông nghiệp, hỗ trợ các nỗ lực xóa đói giảm nghèo của đất nước, góp phần tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng chung.