Theo ABC News, gạo - lương thực chính của gần một nửa dân số thế giới - và các nhu yếu phẩm khác, như lúa mì, ngô và dầu thực vật, đang tăng giá khi các lệnh cấm xuất khẩu gạo, vấn đề địa chính trị, thời tiết khắc nghiệt bắt đầu làm gián đoạn thương mại toàn cầu.
Xu hướng này khiến tất cả mọi người, từ các nhà kinh tế đến các tổ chức nhân đạo, lo lắng.
Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo
Một trong những thách thức lớn nhất đối với thương mại gạo xảy ra trong những tuần gần đây khi chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, khiến giá gạo toàn cầu tăng vọt.
Chỉ số giá gạo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã tăng 2,8% trong tháng 7, lên mức cao nhất kể từ năm 2011.
Chỉ số giá lương thực mới nhất cho thấy lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã gây áp lực về giá mặt hàng này - vốn đã tăng do năng suất dự kiến thấp hơn.
Ấn Độ chiếm khoảng 40% thương mại gạo toàn cầu nhưng đang gặp khó khăn trong kiểm soát giá lương thực trong nước.
Cùng với Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Nga cũng đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu riêng.
Các chuyên gia dự báo lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể ảnh hưởng tới hàng triệu người, nhất là người dân ở châu Á và châu Phi.
Hiện tượng El Nino khắc nghiệt
Theo hãng tin Reuters, gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người và gần 90% diện tích trồng lúa là ở châu Á, nơi đang xảy ra các sự kiện thời tiết bất lợi, đặc biệt là hiện tượng El Nino gây hạn hán.
Ông Nitin Gupta, Phó Chủ tịch kinh doanh gạo của tập đoàn nông sản Olam Ấn Độ, cho biết: Tác động của El Nino không chỉ giới hạn ở một quốc gia nào mà ảnh hưởng đến sản lượng gạo ở hầu hết các nước sản xuất.
Bất chấp dự báo về một vụ mùa bội thu ở châu Á, một số nhà kinh doanh toàn cầu dự báo El Nino sẽ làm giảm sản lượng của tất cả các nhà sản xuất gạo chính.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, dự trữ gạo toàn cầu sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm là 170,2 triệu tấn vào cuối niên vụ 2023 - 2024, do dự trữ tại các nhà sản xuất hàng đầu như Trung Quốc và Ấn Độ giảm.
Theo một đại lý ngũ cốc tại New Delhi (Ấn Độ), giá gạo có thể tăng 20% hoặc hơn nếu sản lượng giảm mạnh, vì El Nino khiến sản lượng vụ lúa thứ hai ở hầu hết các quốc gia châu Á sẽ thấp hơn bình thường.
Thái Lan, một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, kêu gọi nông dân chỉ trồng một vụ lúa sau khi lượng mưa tháng 5 thấp hơn 26% so với bình thường.
Tổng thư ký Văn phòng Thủy lợi Quốc gia Thái Lan, ông Surasri Kidtimonton, phát biểu với tờ Bangkok Post: “Điều đáng lo ngại là hiện tượng El Nino có thể kéo dài đến năm 2025. Chúng ta phải lập kế hoạch quản lý nước trên toàn quốc một cách thận trọng”.
Thái Lan đã khuyến khích nông dân giảm trồng lúa để tiết kiệm nước trong bối cảnh lượng mưa thấp hơn trong mùa mưa năm nay và phải chuẩn bị cho khả năng xảy ra đợt hạn hán vào năm tới do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Hạn chế trồng lúa sẽ giúp bảo đảm nước cho sinh hoạt cho các hộ gia đình.
Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai, sau Ấn Độ, nên động thái trên có thể ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu.
Còn tại Ấn Độ, nơi gieo trồng vụ thứ hai vào tháng 11, diện tích gieo trồng lúa vụ hè tính đến hết tháng 6 đã giảm 26% so với một năm trước, do gió mùa mang đến lượng mưa ít hơn 8% so với bình thường.
Vựa lúa của Trung Quốc còn đang bị ngập nặng, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và an ninh lương thực của chính nước này.
Hiện tượng El Nino cũng là yếu tố chính khiến Indonesia quyết định nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ. Giám đốc ngoại thương Indonesia, Budi Santoso, cho biết việc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ sẽ được thực hiện trong năm nay bất chấp lệnh cấm xuất khẩu.
Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sụp đổ
Ngoài lệnh cấm xuất khẩu gạo và thời tiết khắc nghiệt, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen không được gia hạn cũng là yếu tố ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu. Sau khi các điều kiện của mình không được đáp ứng, Nga đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
Ngày 19/7, Quỹ Tiền tệ quốc tế nhận định việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen làm xấu đi triển vọng an ninh lương thực toàn cầu và làm gia tăng nguy cơ lạm phát giá lương thực. Người phát ngôn này khẳng định việc ngừng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen kiến ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm cho các quốc gia có thu nhập thấp vốn phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc từ Ukraine, đặc biệt là ở Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á.
Về phần mình, ngày 17/7, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an, khẳng định: "Chúng tôi cam kết thực hiện tất cả các nghĩa vụ theo hợp đồng đối với việc cung cấp ngũ cốc của Nga cho khách hàng và tiếp tục hỗ trợ những người có nhu cầu ở các nước đang phát triển bất chấp mọi trở ngại".
Tại một hội nghị ở St Petersburg gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết cung cấp 25.000 - 50.000 tấn ngũ cốc miễn phí cho Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea trong những tháng tới.
Trong một thời gian ngắn, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã giúp ổn định thị trường lúa mì, ngô và dầu thực phẩm.
Ông Carl Skau, Phó giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết: “Thế giới cần tiếp cận các nguồn cung cấp lương thực chính mà không bị cản trở. WFP dựa vào nguồn lúa mì chất lượng cao, dễ tiếp cận và có giá cạnh tranh của Ukraine. Bất chấp chiến tranh và nhờ thỏa thuận ngũ cốc này, Ukraine vẫn là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất của WFP vào năm 2022”.
Trong suốt thời gian thực hiện thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Ukraine đã cung cấp một lượng ngũ cốc đáng kể cho WFP. Tổ chức này đã phân phối ngũ cốc đến Afghanistan, Ethiopia, Kenya, Somalia, Sudan và Yemen.
Tuy nhiên, Báo cáo An ninh và Dinh dưỡng trên Thế giới ước tính có khoảng 691 triệu đến 783 triệu người phải đối mặt với nạn đói vào năm 2022, nhiều hơn 122 triệu người so với năm 2019.
Khi giá lương thực tăng lên, các tổ chức nhân đạo cho biết họ không thể hỗ trợ kịp người nghèo và tình trạng chết đói ngày càng tăng trên khắp thế giới. Theo bà Nana Ndeda, Giám đốc chính sách và vận động nhân đạo của tổ chức Save the Children, mọi khu vực trên thế giới đang chứng kiến số lượng người đói ăn tăng lên.
Theo ông Stefan Vogel, Giám đốc nghiên cứu tại ngân hàng Rabobank, nhiều quốc gia mất an ninh lương thực thường có thể chuyển đổi giữa các loại lương thực thiết yếu khi loại này trở nên quá đắt, nhưng thị trường đang gây khó khăn cho việc đó.