Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã giảm thấp hơn mức dầu nhiên liệu, khuyến khích đưa vào sử dụng trong sản xuất điện. Theo Bloomberg, từ Thái Lan và Bangladesh đến Colombia, các thị trường mới nổi là những khách hàng lớn nhất trên thị trường giao ngay trong quý thứ hai liên tiếp vào đầu năm nay. Việt Nam và Philippines gần đây cũng đã mua lô hàng LNG đầu tiên.
Đó là một bước ngoặt lớn so với năm ngoái khi nhiều chính phủ đang phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng. Giá cả tăng vọt buộc các quốc gia nghèo hơn phải chuyển sang sử dụng than đá hoặc dầu nhiên liệu gây ô nhiễm hơn, đồng thời góp phần làm leo thang lạm phát. Xu hướng tích cực thu mua LNG của các nước này cũng đang giúp lập nên một mạng lưới tiêu thụ an toàn cho các nhà sản xuất, bằng cách bù đắp một phần nhu cầu từ các đối thủ nặng ký ở châu Âu và Bắc Á.
Ông Saul Kavonic, nhà phân tích năng lượng tại Credit Suisse, cho biết: “Việc giá LNG quay trở lại mức bình thường hóa sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho các thị trường mới nổi, vì khả năng chi trả và tính sẵn có về năng lượng của các thị trường này bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giá LNG tăng đột biến vào năm ngoái”. Ông đồng thời dự báo rằng các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở Nam Á và Đông Nam Á, là động lực cốt lõi của tăng trưởng nhu cầu LNG trong 10 năm tới.
Trong khi đó, ông Chris Strong tại công ty luật Vinson&Elkins - chuyên về các giao dịch năng lượng ở London - cho biết nhiều quốc gia đang phát triển có các dự án chuyển đổi khí đốt thành năng lượng có thể đốt cháy dầu nhiên liệu hoặc LNG. Điều đó mang lại cho họ tính linh hoạt để nhanh chóng phản ứng với giá khí đốt giao ngay giảm xuống cũng như nhu cầu điện tăng lên vì nắng nóng.
Mặc dù các giao dịch LNG dài hạn giá rẻ hơn vẫn là thách thức đối với những nước không có xếp hạng đầu tư, song những quốc gia có xếp hạng đang tỏ rõ nhu cầu. Khách hàng ở Ấn Độ đang đàm phán với các nhà cung cấp ở Mỹ, Qatar và UAE về các hợp đồng 20 năm để bảo vệ họ khỏi sự biến động giá quá lớn.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất sẽ cảnh giác với việc phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu này. Mức tiêu thụ gia tăng có thể không đủ để làm lu mờ sự yếu ớt tiềm ẩn trong dài hạn ở các khu vực như châu Âu.
Nhiều chính phủ đang thúc đẩy năng lượng tái tạo trong nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu và kêu gọi giảm sử dụng khí đốt. Mặc dù ít gây ô nhiễm hơn so với than hoặc dầu, khí đốt vẫn thải ra carbon.
Nhà phân tích Lujia Cao tại Bắc Kinh nhận định làn sóng tăng mua LNG cũng có thể là ngắn hạn do khách hàng tận dụng thị trường suy yếu hiện nay để giúp đáp ứng nhu cầu cao hơn trong mùa hè.
Ông Ogan Kose, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Accenture cho biết, các quốc gia mới nổi cũng đã thực hiện các bước để nâng cao công suất năng lượng sạch và thúc đẩy hoạt động thăm dò khí đốt tại địa phương. Điều đó có thể giữ cho nhu cầu LNG tăng trong tầm kiểm soát. Sự hấp dẫn của than giá rẻ vẫn còn mạnh mẽ.
Pakistan, vốn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá cả tăng vọt sau khi một số nhà cung cấp của nước này chuyển hàng hóa sang các thị trường châu Âu có chi phí cao hơn, vẫn chưa mua các lô hàng LNG giá rẻ. Quốc gia này sẽ không xây dựng các nhà máy điện mới dựa vào than, LNG hoặc dầu nhiên liệu nhập khẩu trong thập kỷ tới và thay vào đó sẽ tìm cách tăng công suất năng lượng mặt trời, gió, than khai thác tại địa phương, thủy điện và hạt nhân.
Ông Yousaf Inam, người đứng đầu bộ phận bán hàng và tiếp thị tại Pakistan LNG, cho biết giá khí đốt cao đã đẩy đất nước này tụt lùi lại “một thập kỷ”.