Trong khi đó, các cơ quan viện trợ Liên hợp quốc tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ nhân đạo và huy động thêm nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp.
Thỏa thuận này, dự kiến có hiệu lực vào ngày 19/1, đang đối mặt với một số thách thức vào phút cuối khi giao tranh vẫn diễn ra. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết, các cuộc không kích vẫn tiếp tục gây thương vong cho người dân Palestine.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã chuẩn bị sẵn sàng đưa 80.000 tấn lương thực vào Gaza. Theo WFP, lượng thực phẩm này có thể nuôi sống hơn một triệu người trong 3 tháng. WFP nhấn mạnh cần đảm bảo việc di chuyển không hạn chế của các đội nhân đạo và nguồn cung cấp để hỗ trợ những người đang cần cứu trợ. Ngoài lương thực, hỗ trợ y tế cũng được ưu tiên. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng các đối tác đã sơ tán y tế cho 12 bệnh nhân và gần 30 người đi cùng từ Gaza. Hầu hết bệnh nhân này mắc các bệnh nghiêm trọng như ung thư hoặc rối loạn miễn dịch và sẽ được điều trị tại Albania, Pháp, Na Uy và Romania. WHO kêu gọi thêm nhiều quốc gia tham gia hỗ trợ, khi hơn 12.000 người đang chờ được sơ tán y tế trong bối cảnh hệ thống y tế tại Gaza bị tàn phá nghiêm trọng.
Cơ quan viện trợ người Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) tiếp tục vận hành các trung tâm y tế, phòng khám tạm thời và điểm y tế trên khắp Gaza. Hơn 1.070 nhân viên y tế của UNRWA đã thực hiện hơn 16.000 lượt khám mỗi ngày, bao gồm chăm sóc đặc biệt cho phụ nữ mang thai, chăm sóc sức khỏe răng miệng và vật lý trị liệu.
Tuy nhiên, tương lai của UNRWA tại Gaza đang đối mặt với thách thức lớn. Israel vừa thông qua luật cấm cơ quan này hoạt động tại Gaza, dự kiến có hiệu lực vào cuối tháng này. Mặc dù vậy, Liên hợp quốc khẳng định UNRWA sẽ tiếp tục sứ mệnh với hơn 30.000 nhân viên trong khu vực và không có kế hoạch rút lui.