Theo đài RT (Nga), Ngoại trưởng Fidan đã đưa ra những phát biểu này trong một cuộc phỏng vấn với tờ Hurriyet hôm 03/11. Ông Fidan lưu ý với tư cách là một người bạn, Ankara phải nói thẳng thắn rằng Thổ Nhĩ Kỳ có “mối quan hệ đặc biệt” với mỗi bên trong cuộc xung đột và sẵn sàng lắng nghe cả Moskva và Kiev.
“Giải pháp công bằng cho cuộc chiến phải dựa trên toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, ông Fidan khẳng định.
Ankara từ lâu đã ủng hộ Kiev trong việc kiên quyết giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ được quốc tế công nhận - bao gồm cả Crimea, khu vực đã tách khỏi Ukraine và sáp nhập Nga qua cuộc trưng cầu dân ý năm 2014.
Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với lập trường của Moskva. Giới chức Nga liên tục tuyên bố bất kỳ giải pháp tiềm năng nào cho cuộc xung đột đều phải thừa nhận thực tế trên thực địa. Moskva cũng khẳng định chủ quyền đối với Crimea, cùng các khu vực Kherson và Zaporozhye trước đây thuộc Ukraine, cũng như Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, là không thể tranh cãi. Bốn khu vực này đã sáp nhập vào Nga vào cuối năm 2022 sau các cuộc trưng cầu dân ý tại các vùng lãnh thổ tương ứng.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã nỗ lực trở thành bên trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Moskva và Kiev. Nước này đã tổ chức các cuộc đàm phán ở Istanbul vào đầu xung đột và nhiều lần cho thấy sự sẵn sàng đóng vai trò là bên trung gian trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào trong tương lai.
Tuy nhiên, gần đây, Moskva ám chỉ rằng Ankara đã mất đi vị thế là bên trung gian tiềm năng.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nói với Hurriyet rằng ông nhận thấy cách tiếp cận của Ankara là “khó hiểu”, khi đề cập đến dòng vũ khí liên tục từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ukraine.
“Đáng tiếc là Ankara vẫn tiếp tục hợp tác quân sự - kỹ thuật với Kiev”, ông Lavrov nói và cáo buộc vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đang được Lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng để tấn công binh sĩ và người dân Nga.
Nhà ngoại giao hàng đầu này cũng nói thêm rằng “bất kỳ quốc gia nào, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ không thành công trong các nỗ lực hòa giải”, vì Kiev và những người ủng hộ nước này không tỏ ra sẵn sàng đàm phán.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine tháng 2/2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách duy trì thế cân bằng giữa hai bên. Một mặt, Ankara ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và cung cấp nhiều loại vũ khí như thiết bị bay không người lái Bayraktar TB2, súng máy hạng nặng, tên lửa dẫn đường laser, hệ thống tác chiến điện tử và xe bọc thép. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hợp tác năng lượng với Nga và phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva.