Căng thẳng liên tục leo thang sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước điều các tàu hải quân hộ tống tàu nghiên cứu địa chất Oruc Reis tới vùng biển ngoài khơi đảo Meis (theo cách gọi của Ankara, trong khi Hy Lạp gọi là đảo Kastellorizo) nhằm tìm kiếm hydrocarbon ở khu vực này. Phía Hy Lạp cũng đã triển khai nhiều tàu chiến đến khu vực để giám sát động thái của các tàu trên.
Ngày 16/8 vừa qua, EU đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ dừng “ngay lập tức” hoạt động khai thác khí đốt ở phía Đông Địa Trung Hải, trong khi ngày 19/8, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã bày tỏ quan ngại về hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng nước này Mevlut Cavusoglu.
Tuy nhiên, phát biểu trong chuyến thị sát một nhà máy sản xuất pin Mặt trời mới thành lập, Tổng thống Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ “hoàn toàn đúng”, đồng thời nhấn mạnh nước này sẽ bảo vệ các quyền lợi của mình đến cùng.
Bên cạnh đó, ông Erdogan cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ “đang chờ đợi các bước đi từ các nước liên quan nhằm giảm căng thẳng, mở đường cho đối thoại” vượt qua cuộc khủng hoảng bị cho là nghiêm trọng nhất khu vực kể từ năm 1996, thời điểm giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ gần như sắp nổ ra chiến tranh trên biển Aegean.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, nhân cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến của EU về tình hình Belarus, Tổng thống CH Cyprus Nikos Anastasiades cho rằng EU cần có trách nhiệm phản ứng trước những thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Ông Anastasiades đồng thời yêu cầu EU thực thi các biện pháp quyết liệt đối với hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực này.
Lâu nay, hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt chính là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước thành viên trong NATO. Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ ở khu vực Đông Địa Trung Hải trong những năm gần đây càng làm dấy lên một cuộc tranh giành nguồn tài nguyên không chỉ giữa hai nước này mà còn cả CH Cyprus, Ai Cập và Israel.