Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tham gia chống IS trên bộ

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu mới đây tuyên bố Ankara có thể tham gia chiến dịch trên bộ chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng như một phần của "chiến lược hợp nhất" của liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu.


Xe tăng của lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria sau khi giành lại quyền kiểm soát tuyến đường tiếp vận duy nhất tới thành phố Aleppo. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNN, ông Davutoglu nói: "Việc triển khai lực lượng bộ binh là vấn đề mà chúng tôi đã thảo luận. Cần phải có một chiến lược hợp nhất, bao gồm việc sử dụng cả chiến dịch không kích và lực lượng trên mặt đất. 

Tuy nhiên, một mình Thổ Nhĩ Kỳ không thể gánh vác hết tất cả trách nhiệm này. Nếu có một liên minh và xây dựng được một chiến lược hợp nhất, Ankara sẽ sẵn sàng tham gia". 

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng lưu ý rằng nếu chỉ tiến hành một chiến dịch trên bộ chống IS nhưng vẫn tiếp tục để hở khoảng trống quyền lực thì sẽ dẫn tới sự xuất hiện của các nhóm khủng bố khác ở Syria thay thế IS. Ông Davutoglu cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các chiến dịch không kích nhằm vào các vị trí của IS, song "điều đó là chưa đủ".

Trong khi đó, theo một dự thảo tài liệu hãng tin Reuters có được và công bố ngày 10/11, Nga muốn Chính phủ Syria và phe đối lập nhất trí tiến hành quá trình cải cách hiến pháp kéo dài tới 18 tháng, và sau đó là một cuộc bầu cử tổng thống sớm.

Đề xuất gồm 8 điểm, do Moskva soạn thảo trước thềm một cuộc đàm phán đa phương về Syria dự kiến diễn ra trong tuần này, không loại trừ khả năng Tổng thống Bashar al-Assad sẽ tham gia vào cuộc bầu cử sớm này - điều các đối thủ của ông cho rằng không thể xảy ra nếu muốn lập lại hòa bình ở Syria.

Dự thảo tài liệu có đoạn: "Tổng thống được dân bầu của Syria sẽ có các quyền của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, kiểm soát các lực lượng đặc nhiệm và chính sách ngoại giao". Đề xuất của Nga cho rằng các phe phái ở Syria nên nhất trí về những bước đi như vậy tại một hội thảo trong tương lai do Liên hợp quốc tổ chức. Nga cho biết thêm quá trình cải cách này sẽ không do ông Assad đứng đầu mà sẽ do một ứng cử viên được tất cả các bên chấp thuận.

Tuy nhiên, ngay trong ngày 10/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov đã nói rằng Moskva vẫn chưa triển khai tài liệu trên và mới chỉ có các ý tưởng về việc thảo luận trong tương lai.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga thông báo tại Moskva, Thứ trưởng Bogdanov đã có cuộc gặp với các đại diện của Mặt trận vì Sự thay đổi và Giải phóng - phe đối lập ở Syria. Ngoài ra, ông Bogdanov cũng đã gặp người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian tại thủ đô của Nga để thảo luận về tình hình Syria. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier cùng ngày đã có cuộc điện đàm về cuộc khủng hoảng Syria.

Trở lại với chiến trường Syria, ngày 10/11, quân đội chính phủ Syria đã phá vỡ vòng vây kéo dài hơn 1 năm qua của IS xung quanh một căn cứ không quân quan trọng ở tỉnh Aleppo, miền Bắc nước này. Một nhóm binh sĩ quân đội Syria đã chọc thủng vòng vây của IS ở phía Tây sân bay Kweyris và tới gặp các đồng đội đang ở trong căn cứ này. Truyền hình nhà nước Syria cho biết, "một số lớn phần tử khủng bố IS" đã bị tiêu diệt trong cuộc đột kích này.

Căn cứ Kweyris đã bị IS vây hãm kể từ mùa xuân năm 2014. Các phiến quân IS hiện vẫn đang ở các khu vực khác xung quanh căn cứ trên.

Liên quan tới tình hình Syria, cùng ngày, truyền thông nhà nước đưa tin ít nhất 22 người đã thiệt mạng và 62 người bị thương do đạn pháo tại thành phố duyên hải Latakia, miền Tây Syria. Đây là một trong những vụ việc đẫm máu nhất kể từ khi chiến tranh bùng phát ở Syria.

TN (Theo Reuters/AFP)
Tấn công rocket tại thành phố Syria đặt căn cứ Nga
Tấn công rocket tại thành phố Syria đặt căn cứ Nga

Ít nhất 23 người thiệt mạng và 65 người bị thương sau khi xảy ra vụ bắn rocket ngày 10/11 tại thành phố Latakia, nơi có căn cứ không quân Nga tại Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN