Trả lời báo giới sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại thủ đô Washington, Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết sự hợp tác của Saudi Arabia liên quan đến công tác điều tra vụ sát hại ông Khashoggi “không được như mong muốn”.
Ông Cavusoglu khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chính thức đề nghị tổ chức một cuộc điều tra quốc tế nếu "bế tắc" với Saudi Arabia. Theo ông Cavusoglu, đây là một vấn đề nhân đạo và liên quan đến một vụ giết người, do đó không thể phớt lờ hay che đậy vụ việc này nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Numan Kurtulmus, đã tuyên bố những phát ngôn liên quan vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trước đó là "hài hước".
Ông Kurtulmus cho rằng việc một cơ quan tình báo như Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), vốn biết tường tận mọi việc, không biết kẻ đứng sau vụ nhà báo Khashoggi, là điều không thể.
Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định duy trì mối quan hệ đồng minh vững chắc với Saudi Arabia. Theo ông Trump, lợi ích trong mối quan hệ với Riyadh quan trọng hơn hơn nghi vấn Thái tử nước này Mohammed bin Salman đứng sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
Ông Trump phớt lờ lời kêu gọi của giới lập pháp Mỹ, trong đó có nhiều nghị sĩ Cộng hòa, trong việc đưa ra biện pháp cứng rắn hơn với Saudi Arabia liên quan đến vụ nhà báo Khashoggi. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí bỏ qua thông tin của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Thái tử Mohammed bin Salman biết đến kế hoạch sát hại nhà báo Saudi Arabia, cho rằng đánh giá của CIA là "vô cùng vội vã".
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul nhấn mạnh việc sát cánh cùng Saudi Arabia trong vụ việc này cho thấy dấu hiệu của sự yếu kém, trong khi đó, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của đảng Cộng hòa cũng không tán thành với quan điểm của ông chủ Nhà Trắng, cho rằng nước Mỹ, vì vấn đề này, có thể mất đi '"tiếng nói" trên trường quốc tế. Cho đến nay, phản ứng mạnh nhất của Mỹ chỉ dừng lại ở việc trừng phạt 17 quan chức Saudi Arabia có liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi bị mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia, sinh sống tại Mỹ và đang trong quá trình xin nhập quốc tịch Mỹ sau khi lưu vong từ năm 2017.
Hôm 20/10, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi đã chết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul, song không cho biết thi thể nhà báo này đang ở đâu. Sau khi công bố kết quả điều tra sơ bộ, cơ quan công tố Saudi Arabia thông báo nhà chức trách nước này đã bắt giữ nhiều người liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình với kết luận sơ bộ trên của Saudi Arabia và khẳng định vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước.
Đến nay, tổng cộng 21 người Saudi Arabia đã bị giam giữ do liên quan đến vụ sát hại trên. Trong số đó, 11 người bị truy tố và những người còn lại đang bị điều tra. Tuy nhiên, nhiều nước như Mỹ, Đức, hay Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình với cách giải thích hay xử lý vụ việc của Riyadh.
Mỹ cũng đã hủy thị thực của 21 quan chức Saudi Arabia bị tình nghi. Trong khi đó, Đức đã quyết định cấm nhập cảnh đối với 18 quan chức nhà nước Saudi Arabia, đồng thời đình chỉ mọi hoạt động bán vũ khí cho Saudi Arabia, kể cả các đơn hàng đã được phê duyệt.