Tuyên bố được đưa ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng tạm quyền Libya Abdul Hamid Dbeibah đến Ankara ngày 12/4.
Phát biểu sau cuộc hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan, ông Dbeibah cho biết Chính phủ Libya tái khẳng định rằng các thỏa thuận ký kết giữa hai nước, trong đó có thỏa thuận phân định ranh giới trên biển, đều có hiệu lực. Về phần mình, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh thỏa thuận năm 2019 bảo đảm các lợi ích quốc gia và tương lai của hai nước, đồng thời cũng khẳng định lại cam kết đối với thỏa thuận.
Năm 2019, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Hòa hợp dân tộc Libya (GNA) đã ký một thỏa thuận quân sự cùng với thỏa thuận phân định ranh giới trên biển. Theo thỏa thuận thiết lập ranh giới trên Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ được trao nhiều quyền hơn để khai thác năng lượng tại khu vực này. Một số nước khác, trong đó có Hy Lạp, đã lên tiếng phản đối thỏa thuận.
Cũng trong khuôn khổ cuộc gặp trên, hai lãnh đạo ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, trong đó có dự án xây dựng nhà máy điện và sân bay tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Theo ông Dbeibah, hai nước sẽ sớm làm việc để tiến tới một thỏa thuận thương mại tự do.
Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng cường hợp tác với Libya và tiếp tục ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc của Libya như chính phủ Libya được quốc tế công nhận trước đây. Ông Erdogan thông báo Ankara sẽ viện trợ cho Tripoli 150.000 liều vaccine ngừa COVID-19 để hỗ trợ quốc gia Bắc Phi trong cuộc chiến chống đại dịch.
Cùng ngày 12/4, trong khuôn khổ chuyến thăm thành phố Benghazi, miền Đông Libya, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias kêu gọi các lực lượng nước ngoài rút khỏi quốc gia Bắc Phi này.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, trong tuyên bố chung với Phó Thủ tướng nước chủ nhà Hussein Attiya al-Gotrani, ông Dendias khẳng định sự ủng hộ của Hy Lạp đối với chủ quyền của Libya, đồng thời cho rằng việc các lực lượng nước ngoài rút đi trong thời gian sớm nhất có thể là chìa khoá để giải quyết xung đột. Ông nhấn mạnh người dân Libya phải được phép tự quyết định số phận.
Ngoại trưởng Dendias thông báo Hy Lạp trong tuần tới sẽ mở lại Lãnh sự quán tại Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya và là nơi bắt nguồn của cuộc chính biến năm 2011. Tuần trước, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis có chuyến thăm Libya và tham dự sự kiện mở cửa trở lại Đại sứ quán Hy Lạp tại Tripoli, vốn bị đóng cửa từ năm 2014 do tình hình an ninh bất ổn.
Nhiều năm qua, Libya trong tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc, với hai chính quyền tồn tại song song - GNA có trụ sở ở Tripoli được Liên hợp quốc công nhận và chính quyền ở miền Đông được lực lượng của Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn. Ngày 10/3 vừa qua, Quốc hội Libya đã thông qua chính phủ lâm thời với nhiệm vụ giúp chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24/12 năm nay, một bước đi quan trọng hướng tới chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài một thập kỷ tại quốc gia Bắc Phi này.