Thổ Nhĩ Kỳ kiên trì yêu cầu Mỹ dẫn độ Giáo sĩ Gulen

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục yêu cầu Mỹ bắt giữ và dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen, bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi giữa tháng trước, về Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, ngày 2/8, Bộ trưởng Tư pháp nước này Bekir Bozdag đã gửi văn bản thứ 2 tới Mỹ đưa ra yêu cầu trên.

Giáo sĩ Fethullah Gulen tại Pennsylvania, Mỹ ngày 27/12/2013. Ảnh: EPA/TTXVN

Ông Bozdag cho biết trong văn bản yêu cầu thứ hai này, Ankara đã đưa ra lời giải thích tại sao cần bắt giữ khẩn cấp Giáo sĩ Gulen, bởi sau văn bản yêu cầu thứ nhất, phía Mỹ đề nghị cung cấp thông tin và bằng chứng về sự dính líu của vị giáo sĩ này trong vụ đảo chính bất thành.

Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ có thông tin tình báo rằng Giáo sĩ Gulen có thể trốn khỏi nơi ở tại Mỹ để tới Australia, Mexico, Canada, Nam Phi hoặc Ai Cập.

Ông Bozdag bày tỏ hy vọng phía Mỹ sẽ đưa ra quyết định có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, trên các nguyên tắc dân chủ và luật pháp, đồng thời cho rằng nếu Giáo sĩ Gulen trốn khỏi Mỹ thì nhà chức trách nước này rõ ràng sẽ biết rõ.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, đang có chuyến thăm Pakistan, cũng cho biết Islamabad đã cam kết sẽ có hành động xử lý các trường hợp liên quan đến Giáo sĩ Gulen. Trước đó, ông Cavusoglu đã tuyên bố quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ bị tác động nếu Washington không dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng tuyên bố sẵn sàng xem xét vấn đề trao trả ông Fethullah Gulen với điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ chứng minh được ông này thực sự liên quan tới cuộc chính biến vừa qua.

Tuy nhiên, cho đến lúc này, Ankara mới chỉ đưa ra một "số lượng hạn chế" những chứng cứ về vai trò của ông Gulen, cũng như tổ chức Hồi giáo Hizmet của vị giáo sĩ này, trong cuộc đảo chính vào đêm 15/7.

Trong diễn biến liên quan, ngày 2/8, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát lệnh bắt giữ 100 nhân viên, trong đó có các bác sĩ, tại bệnh viện quân y chính ở thủ đô Ankara để phục vụ cho cuộc điều tra về âm mưu đảo chính bất thành hồi trung tuần tháng trước tại nước này, khiến ít nhất 271 người thiệt mạng.

Đài truyền hình tư nhân NTV cho biết cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã lục soát Học viện Quân y Gulhane (GATA) ở Ankara. Theo một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ các nhân viên bệnh viện trên bị cáo buộc hỗ trợ y tế cho lực lượng những người ủng hộ Giáo sĩ Fethullah Gulen trong vụ đảo chính.

Kể từ vụ đảo chính bất thành hôm ngày 15/7 đến nay, hơn 60.000 người bao gồm các tướng lĩnh, binh sĩ, cảnh sát, thẩm phán và công tố viên và nhân viên nhà nước đã bị bắt giữ hoặc bị sa thải do bị tình nghi liên quan.

Thổ Nhĩ Kỳ từng bước cải tổ lực lượng vũ trang


Ngày 2/8, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết chính phủ nước này đã giành quyền kiểm soát các nhà máy và xưởng đóng tàu trước đây nằm dưới quyền Bộ tổng tham mưu quân đội.

Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ lực lượng vũ trang trên diện rộng sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng trước. Phát biểu trước các thành viên đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền tại Quốc hội, Thủ tướng Yildirim khẳng định việc tái cơ cấu lực lượng vũ trang sẽ không làm suy yếu quân đội, mà đó là sự chuẩn bị để đối phó với mọi mối đe dọa tới an ninh quốc gia.

Ông cho biết thêm lực lượng chiến đấu chống phiến quân người Kurd giờ đây sẽ tập trung vào các chiến dịch tại khu vực nông thôn. Không chỉ cải tổ sâu rộng bộ máy quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét kế hoạch cải tổ cơ quan tình báo, hiện bị chỉ trích nặng nề liên quan đến vụ đảo chính bất thành hôm 15/7.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra tại Istanbul ngày 21/7. Ảnh: EPA/TTXVN

Nhật báo Hurriyet ngày 2/8 đưa tin, Ankara đang xem xét kế hoạch tách Cơ quan tình báo quốc gia (MIT) thành các đơn vị riêng rẽ phục vụ công tác tình báo trong và ngoài nước.

Cụ thể, tình báo trong nước là nhiệm vụ của cảnh sát và hiến binh - lực lượng sẽ báo cáo lên Bộ Nội vụ chứ không phải quân đội, theo như biện pháp cải cách được nhất trí sau cuộc đảo chính.

Trong khi đó, cơ quan tình báo nước ngoài sẽ báo cáo trực tiếp lên văn phòng Tổng thống, vốn cũng sẽ có một đơn vị phụ trách điều phối giữa 2 cơ quan tình báo và tự thực hiện phân tích thông tin tình báo. Động thái cải cách này sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ có một hệ thống giống như Anh, nơi MI6 đảm nhận tình báo nước ngoài và MI5 phụ trách tình báo nội địa.


Đức bác đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ về việc miễn thị thực


Cùng ngày 2/8, Đức đã bác lời đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ về việc rút khỏi thỏa thuận người di cư với Liên minh châu Âu (EU) nếu EU không giữ đúng cam kết miễn thị thực cho người dân nước này, bắt đầu từ tháng 10 tới.

Trả lời báo giới về khả năng liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây áp lực với EU liên quan tới thỏa thuận người tị nạn hay không, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng "đây là sự vô lý". Ông Steinmeier nhấn mạnh thực tế rằng có nhiều điều kiện cần xem xét liên quan tới chính sách miễn thị thực và "ai cũng biết điều này".

Ngoại trưởng Đức tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết áp dụng các bước đi cần thiết để thực hiện thỏa thuận di cư. Thỏa thuận này hiện đang trong quá trình thực hiện, do đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hành động để giữ đúng cam kết.

Trước đó 1 ngày, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cũng khẳng định Đức hay EU sẽ không để Thổ Nhĩ Kỳ "hăm dọa" liên quan tới thỏa thuận di cư. Tuyên bố được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo Ankara sẽ rút khỏi thỏa thuận về người di cư với EU nếu khối này không đáp ứng yêu cầu miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồi tháng 3 vừa qua, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận nhằm ngăn chặn dòng người di cư đang ồ ạt đổ tới châu Âu, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận lại những người di cư trái phép ở châu Âu, đổi lại EU phải nhượng bộ Ankara về tài chính và chính trị, trong đó có việc miễn thị thực cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU.

Tuy nhiên, quá trình miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã bị trì hoãn do giới chức EU quan ngại trước hàng loạt hành động trấn áp của chính quyền Ankara sau cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi giữa tháng trước.

Kể từ vụ đảo chính đến nay, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hoặc sa thải hơn 60.000 người bao gồm các tướng lĩnh, binh sĩ, cảnh sát, thẩm phán và công tố viên và nhân viên nhà nước do bị tình nghi có liên quan đến vụ đảo chính bất thành này.

TTXVN/Tin Tức
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát xưởng đóng tàu, nhà máy quân sự
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát xưởng đóng tàu, nhà máy quân sự

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã giành quyền kiểm soát các nhà máy và xưởng đóng tàu trước đây nằm dưới quyền Bộ tổng tham mưu quân đội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN