Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp liên quan tranh cãi về biên giới trên biển và thăm dò dầu khí.
Ngày 10/8 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tàu khảo sát Oruc Reis cùng các tàu chiến tới vùng biển phía Đông Địa Trung Hải mà Hy Lạp cũng tuyên bố chủ quyền. Hoạt động của các tàu này tại đây đã được gia hạn một lần vào ngày 23/8 và theo dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 27/8.
Trong một tuyên bố, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ tàu Oruc Reis cùng các tàu chiến của nước này sẽ tiếp tục ở vùng biển phía Đông Địa Trung Hải thêm 5 ngày, tới ngày 1/9 tới. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tiến hành cuộc tập trận bắn đại bác tại rìa vùng biển ở Đông Bắc Địa Trung Hải vào ngày 1 và 2/9 tới.
Phản ứng trước thông tin trên, một nguồn tin ngoại giao Hy Lạp nêu rõ việc Ankara duy trì các tàu chiến tại vùng biển trên là "trái phép và bất hợp pháp".
Những tranh cãi về hoạt động thăm dò khí đốt tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực ngoài khơi các đảo của Hy Lạp ở phía Đông Địa Trung Hải đã leo thang trong những tuần gần đây. Athens coi các cuộc thăm dò này là bất hợp pháp, trong khi Ankara khẳng định vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành thăm dò khí đốt thuộc thềm lục địa của nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận trong ngày 26/8 đã tiến hành tập trận chung với hải quân Mỹ ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải. Ngay trước đó, Hy Lạp cũng đã tiến hành tập trận chung với Pháp, Italy và CH Cyprus ở vùng biển phía Đông Địa Trung Hải.
Đức - nước đang nỗ lực làm trung gian giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp - đã lên tiếng kêu gọi ngừng các cuộc tập trận hải quân ở Đông Địa Trung Hải để tạo không gian xúc tiến các cuộc đàm phán giữa hai nước này. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp với những người đồng cấp các nước Liên minh châu Âu (EU) ở Berlin ngày 27/8, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh cần một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột này và điều kiện tiên quyết để tiến hành đàm phán là phải chấm dứt các cuộc tập trận ở Đông Địa Trung Hải.
Trong cuộc gặp cùng ngày với Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bày tỏ quan ngại về căng thẳng giữa hai nước thành viên NATO. Ông Jens Stoltenberg khẳng định NATO sẽ tìm cách tránh nguy cơ xảy ra xung đột ở phía Đông Địa Trung Hải, đồng thời hỗ trợ nỗ lực ngoại giao của Đức nhằm làm dịu căng thẳng hiện nay liên quan các nguồn năng lượng trong khu vực này. Ông Stoltenber kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp giảm leo thang, giải quyết tranh chấp trên tinh thần đoàn kết giữa các đồng minh và trên cơ sở luật pháp quốc tế.