Phát biểu họp báo với người đồng cấp Iraq Barham Saleh tại Ankara, Tổng thống Erdogan lưu ý hiện đã xuất hiện nhiều mối đe dọa đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq từ tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, các tay súng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn mà Ankara coi là một nhóm khủng bố và nhóm được cho là đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Ông khẳng định hai nước đều ý thức được tầm quan trọng của việc hợp tác để đạt được thành công trong cuộc chiến chống khủng bố. Do đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ hy vọng hai nước sẽ thúc đẩy và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này trong tương lai.
Về phần mình, Tổng thống Iraq Saleh khẳng định mong muốn xây dựng sự hợp tác thực chất và mối quan hệ đối tác chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh điều này sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho 2 nước mà còn cho toàn khu vực.
Cuộc hội đàm trên diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Iraq hồi tháng 12 năm ngoái đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tới để trao công hàm phản đối hoạt động không kích liên tiếp của Ankara nhằm vào những địa điểm đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang hoạt động tại thị trấn Sinjar và núi Qarachokh gần khu vực Makhmour, miền Bắc Iraq. Vào thời điểm đó, Baghdad chỉ trích các cuộc không kích này là sự xâm phạm chủ quyền, an ninh và dân sự của Iraq, cũng như đi ngược lại những quy tắc về quan hệ láng giềng hữu hảo. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố các đợt không kích này nhằm bảo vệ biên giới và ngăn chặn khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu coi PKK là một tổ chức khủng bố. Tháng 10 vừa qua, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đề xuất của chính phủ nước này, cho phép quân đội tiếp tục thực hiện các hoạt động quân sự tại Iraq và Syria thêm một năm. Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm vào các vị trí của PKK tại miền Bắc Iraq, đặc biệt là vùng núi Qandil, căn cứ chính của PKK.