Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu khảo sát Oruc Reis trở lại khu vực tranh chấp

Bất chấp sự phản đối của nhiều nước, ngày 14/10, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã triển khai lại tàu khảo sát địa chấn Oruc Reis tại khu vực tranh chấp trên Địa Trung Hải.

Chú thích ảnh
Tàu khảo sát Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển ngoài khơi phía Tây tỉnh Antalya trên Địa Trung Hải ngày 12/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez cho biết tàu Oruc Reis đã tới điểm đến và sẽ bắt đầu công việc. Theo kế hoạch, tàu Oruc Reis sẽ hoạt động trên Địa Trung Hải đến ngày 22/10. 

Động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước, trong đó có hai đồng minh chính phương Tây của nước này là Mỹ và Đức. Đức và Mỹ đều đề nghị Ankara rút tàu khảo sát Oruc Reis khỏi khu vực tranh chấp trên Địa Trung Hải, thậm chí Washington còn coi hành động này là "khiêu khích có tính toán". 

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nhấn mạnh Hy Lạp "có quyền tài phán" tại những khu vực mà tàu Oruc Reis dự kiến hoạt động đến ngày 22/10. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus hối thúc Ankara đàm phán với Hy Lạp ngay lập tức. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không được phá vỡ "bầu không khí tin cậy" cần thiết để có thể giảm căng thẳng với Hy Lạp. Theo ông, sự hiện diện của tàu khảo sát Oruc Reis trên Địa Trung Hải đã đi ngược lại với những gì mà Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí, đó là tiến hành mọi biện pháp ngoại giao để giảm căng thẳng gia tăng. 

Trước đó, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về quyết định trên, đồng thời cho biết các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh cuối tuần này. Theo ông Borrell, động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ "sẽ dẫn đến những căng thẳng mới thay vì góp phần vào nỗ lực giảm leo thang mà EU kêu gọi tại cuộc họp hồi đầu tháng này". Ông Borrell hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ tích cực tham gia tìm kiếm giải pháp và "không có thêm các hành động tiêu cực".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hy Lạp George Gerapetritis khẳng định sẽ không có bất kỳ giải pháp ngoại giao nào cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ rút tàu Oruc Reis. Ông cho biết Athens sẽ nêu vấn đề trên một cách mạnh mẽ tại một cuộc họp của hội đồng châu Âu, dự kiến diễn ra vào ngày 15/10. 

Hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt ở Địa Trung Hải lâu nay là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước đồng minh trong NATO. Căng thẳng đã leo thang với nhiều hoạt động quân sự trên biển khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu khảo sát Oruc Reis tại vùng biển phía Đông Địa Trung Hải hồi tháng 8 vừa qua.

Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã rút tàu Oruc Reis khỏi vùng biển tranh chấp để mở đường cho các biện pháp ngoại giao trước thềm một hội nghị thượng đỉnh của EU. Khi đó, Ankara khẳng định việc rút tàu khảo sát Oruc Reis không có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ chủ quyền đối với nguồn tài nguyên ở Đông Địa Trung Hải.

Ngọc Hà (TTXVN)
Đức hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế các hành động tại Địa Trung Hải
Đức hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế các hành động tại Địa Trung Hải

Ngày 13/10, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế các hành động gây căng thẳng tại Địa Trung Hải. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN