Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành sắc lệnh bổ sung, mở rộng diện trừng phạt nhằm vào Ankara. Đối tượng chịu ảnh hưởng giờ không còn giới hạn trong các tổ chức trực thuộc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ như sắc lệnh cũ (ngày 28/11/2015), mà còn bao gồm cả các công ty do công dân Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát có hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Nga. Cùng thời điểm, Phó Thủ tướng Nga Arakady Dvorkovich cảnh báo, Moskva sẽ có thêm nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Ankara.
Bộ trưởng Thương Mại và Thuế quan Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Tufenkci. Ảnh: AA |
“Những lệnh cấm vận này tác động tiêu cực đến người dân hai nước. Tôi hy vọng là căng thẳng này sẽ không kéo dài”, hãng tin Anadolu dẫn phát biểu của ông Tufenkci. Bộ trưởng Thương mại và Thuế quan Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, kim ngạch trao đổi ngoại thương hai chiều đã có sự giảm sút trước khi xảy ra khủng hoảng liên quan đến vụ Ankara bắn hạ máy bay Su-24 của Nga hôm 24/11 vừa qua và tác động của hành động trừng phạt từ Moskva là không đáng ngại.
“Khi xem xét trao đổi ngoại thương giữa chúng ta với Nga, có thể nhận thấy là kim ngạch giảm khoảng 38-40% trong năm nay so với năm 2014. Kể từ mốc khủng hoảng đến hết tháng 12, tổng trao đổi ngoại thương 2 chiều giảm thêm 38%. Loại trừ đi các yếu tố lan truyền, mức giảm thực chất chỉ là 11-11,8% trong thời gian này. Với quy mô nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ như hiện nay, chúng ta tin là đà suy giảm này không gây tác động gì lớn”, Bộ trưởng Tufenkci bày tỏ.
Hai mảng màu sáng - tối
2015 là một năm đặc biệt khó khăn đối với kinh tế Nga, do giá dầu thế giới - mặt hàng xuất khẩu chủ chốt và nguồn thu quan trọng của Nga - giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn 11 năm qua, cùng với đó là các đòn trừng phạt mà Mỹ, phương Tây áp đặt chống Moskva do liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự báo GDP của Nga sẽ giảm 5% trong năm 2015, còn Ngân hàng Thế giới (WB) thì đưa ra dự báo về mức suy giảm 3,7%. Bất ổn còn có thể đeo bám nước Nga cả trong năm 2016.
Alexei Kudrin, Chủ tịch Ủy ban Sáng kiến Dân sự, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga, nói rằng kinh tế Nga vẫn chưa thoát đáy khủng hoảng. Trả lời phỏng vấn hãng tin Interfax ngày 27/12, ông Kurdin nói rằng, “mới đây thôi, nhiều chuyên gia, trong đó có cả tôi, tin rằng nền kinh tế đã đến đáy khủng hoảng. Nhưng giờ thì chúng ta lại thấy một vài điểm tồi tệ hơn, mà thông số kinh tế trong tháng 11 đã cho thấy. Có nghĩa là tình hình hiện chưa ổn định”.
Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Nga, việc giá dầu lao dốc mạnh là một nhân tố đe dọa tiềm ẩn. Nếu dầu tiếp tục đứng ở mức thấp như hiện nay trong khoảng thời gian tới, nền kinh tế sẽ tiếp tục đi vào suy thoái. Năm 2016 sẽ tiếp tục đưa đến nhiều thách thức, do chi tiêu chính phủ bị cắt giảm; đồng rubble sẽ tiếp tục mất giá và tỉ lệ lạm phát sẽ ở ngưỡng 8%, cao hơn mức 6,4% như từng được dự báo.
Ở chiều hướng khác, Cơ quan Thống kê Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nền kinh tế nước này đã có quý 24 tăng trưởng liên tiếp, với mức tăng 4% trong quý 3 vừa qua, vượt mức dự báo trước đó (2,8%). Với đà này, GDP cả năm của Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo là sẽ tăng ở mức 3,4%, vượt chỉ tiêu đề ra (3%).