Thổ Nhĩ Kỳ để ngỏ khả năng trừng phạt Hà Lan

Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan tiếp tục dấu hiệu leo thang. Cả hai nước không ngừng cáo buộc và tuyên bố trả đũa lẫn nhau sau khi Hà Lan ra lệnh cấm các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến nước này.

Phát biểu ngày13/3tại thủ đô Ankara,Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ trừng phạt Hà Lan. Trong khi đó, Tổng thống Tayyip Erdogan cũng tuyên bố Hà Lan sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt vì ngăn cản các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các cuộc mít tinh vận động tranh cử ở thành phố Rotterdam .

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trả lời báo giới tại Brussels, Bỉ ngày 9/3. Ảnh:AFP/TTXVN

Cùng ngày, Hà Lan đã đưa ra cảnh báo đi lại mới đối với các công dân nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ, khuyến cáo họ thận trọng trong bối cảnh hiện nay.


Trong một diễn biến liên quan, EU đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trước những tuyên ngôn và hành động có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với Hà Lan nói riêng và các nước thành viên EU khác nói chung.


Phát biểu ngày 13/3 tại Brussels (Bỉ), Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hối thúc các đồng minh NATO giảm căng thẳng. Ông nói: "Tôi sẽ động viên tất cả các nước đồng minh tôn trọng lẫn nhau, bình tĩnh và có hướng tiếp cận thận trọng nhằm góp phần xoa dịu căng thẳng". Theo ông, để góp phần làm giảm leo thang căng thẳng, các bên cần tránh xung đột, làm phức tạp thêm tình hình và điều quan trọng là cần tập trung vào các vấn đề đoàn kết.


Trong khi đó, cùng ngày,Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini và Cao ủy EU phụ trách mở rộng khối Johannes Hahn ra tuyên bố nêu rõ EU kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không đưa ra những tuyên bố "quá đáng" và những hành động có thể làm gia tăng căng thẳng với Hà Lan và Đức liên quan tới việc một số bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ bị ngăn tham gia các cuộc mít tinh.


Tuyên bố nêu rõ: "Sau những ngày căng thẳng vừa qua giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia thành viên EU, quan trọng là phải tránh làm leo thang căng thẳng và tìm cách hạ nhiệt tình hình".


Theo EU, Đức và Hà Lan có quyền quyết định về việc có cho phép các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ vào những nước này để thuyết phục kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cho kế hoạch mở rộng quyền lực cho Tổng thống Tayyip Erdogan hay không.


Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan bùng phát khi ngày 11/3, Chính phủ Hà Lan đã không cho phép Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bay đến thành phố Rotterdam để vận động cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại đây ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống Tayyip Erdogan. Tiếp đó, ngày 12/3, Bộ trưởng Các chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ, bà Fatma Betul Sayan Kaya, cùng gia đình cũng đã bị hộ tống trở lại biên giới Đức, sau khi đoàn xe của vị quan chức này cố tìm cách đến Rotterdam bằng đường bộ khi chưa có sự đồng ý của phía Hà Lan.

TTXVN/Tin Tức
Hà Lan và cuộc bầu cử tiềm ẩn nguy cơ 'Nexit'
Hà Lan và cuộc bầu cử tiềm ẩn nguy cơ 'Nexit'

Liệu kịch bản "Nexit" tương tự "Brexit" sẽ lặp lại? Điều đó sẽ được trả lời trong cuộc bầu cử quốc hội Hà Lan vào ngày 15/3 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN