Thổ Nhĩ Kỳ 'đau đầu' bởi mật ong giả

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia sản xuất mật ong lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều sản phẩm mật ong “made in Thổ Nhĩ Kỳ” thực ra lại là hàng giả pha trộn với siro đường hoặc các thành phần khác.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia chủ chốt trên thị trường mật ong toàn cầu. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nhà cung cấp mật ong lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, với sản lượng hàng năm là 115.000 tấn. Theo ước tính, ngành mật ong mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 283,4 triệu USD/năm. Đức và Mỹ là những quốc gia nhập khẩu mật ong lớn nhất từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Mật ong pha trộn

Ngành mật ong Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với khủng hoảng bởi hàng giả pha trộn. Trong những tháng gần đây, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã tịch thu được nhiều tấn mật ong pha trộn với tổng giá trị khoảng 25 triệu euro.

Trong một cuộc đột kích tại thủ đô Ankara vào tháng 9/2024, lực lượng chức năng đã phát hiện 8.150 tấn glucose, fructose và đường, cùng với 100.000 nhãn dán nhái các nhãn hiệu mật ong khác nhau. Ankara được coi là thủ phủ của ngành công nghiệp mật ong Thổ Nhĩ Kỳ với phần lớn các cơ sở sản xuất đều nằm ở đó.

Nếu sản phẩm có chứa chất tạo mùi nhân tạo, chất tạo ngọt, glucose, siro ngô.. thì chúng không được phân loại là mật ong khi kinh doanh. Sản phẩm đó là mật ong giả hoặc pha trộn. Trong quý IV năm 2024, Bộ Nông nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố danh sách 43 nhà sản xuất tại nước này đã pha trộn mật ong.

Tổn hại đến hình ảnh Thổ Nhĩ Kỳ

Ankara được coi là trung tâm của ngành công nghiệp mật ong Thổ Nhĩ Kỳ với phần lớn các cơ sở sản xuất đều nằm ở đó.

Các nhà sản xuất mật ong Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng danh tiếng của nước này trên thị trường quốc tế sẽ chịu tổn hại đáng kể. Họ đang vận động chính phủ hành động với quy định chặt chẽ hơn và hình phạt răn đe.

Chủ tịch Hiệp hội nuôi ong Thổ Nhĩ Kỳ - ông Ziya Sahin cho rằng Bộ Nông nghiệp phải chịu trách nhiệm. Ông bức xúc: "Vấn đề là thiếu quy định. Người nuôi ong tức giận và họ chất vấn lý do chúng tôi không hành động để ngăn chặn tình trạng này. Nhưng chúng tôi không có thẩm quyền để thanh tra. Tôi thậm chí không được phép hỏi những người bán hàng rong xem mật ong của họ có phải là thật hay không".

Ông Sahin cho biết họ đang liên lạc chặt chẽ với các đối tác quốc tế của mình. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thiên đường của mật ong giả. Chúng tôi không chấp nhận điều đó”. Liên đoàn nuôi ong quốc tế dự kiến tổ chức họp tại Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay.

Một lý do quan trọng khiến mật ong giả gia tăng là do giá cả. Mật ong giả chỉ bằng 1/5 giá mật ong thật. Chúng được bán ở Thổ Nhĩ Kỳ với giá khoảng 1,6 euro (khoảng 42.500 đồng) một kg. Giá mật ong thật có thể lên tới 8 euro một kg.

Mức độ nghiêm trọng của vấn đề được minh họa bằng số liệu từ Văn phòng Chống gian lận châu Âu. Năm 2023, cơ quan này phát hiện gần một nửa, hay 46% các mẫu mật ong nhập khẩu vào châu Âu mà họ kiểm tra là giả. Trong số 15 mẫu mật ong nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, có 14 mẫu là giả.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)
Các thương hiệu Nhật Bản cảnh báo người tiêu dùng về 'bão hàng giả'
Các thương hiệu Nhật Bản cảnh báo người tiêu dùng về 'bão hàng giả'

Các thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản từ Canon đến Meiji đang cảnh báo người tiêu dùng trong và ngoài nước về hàng giả. Hàng giả mạo các thương hiệu Nhật Bản đang được kinh doanh tràn lan thông qua mạng xã hội hoặc các nền tảng thương mại điện tử lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN