Ông Oktay đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến trong ngày 2/1 thảo luận và bỏ phiếu thông qua một dự luật về triển khai lực lượng quân sự tới Libya sau khi Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj đề nghị Ankara hỗ trợ chính phủ này trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai bên. Theo ông Oktay, sau khi dự luật này được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua, tình hình có thể diễn biến khác đi, theo đó lực lượng miền Đông Libya có thể chấp nhận rút lui và từ bỏ chiến dịch tấn công. Theo ông Oktay, Ankara hy vọng dự luật trên của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gửi một thông điệp răn đe tới các bên tham chiến ở Libya.
Cùng ngày, hãng thông tấn bán chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin Ankara chỉ trích Liên đoàn Arab (AL) làm ngơ trước những cuộc tấn công được quân đội nước ngoài hậu thuẫn diễn ra trong nhiều tháng qua ở Libya.
Trong một tuyên bố bằng văn bản, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy nêu rõ AL đã không thể tỏ thái độ dứt khoát giữa “tính hợp pháp quốc tế” và chiến dịch tấn công quân sự được nước ngoài hậu thuẫn tại Libya. Tuyên bố khẳng định Ankara sẽ tiếp tục hỗ trợ GNA và sẽ nỗ lực để đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện giữa các bên tham chiến.
Libya vẫn trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Trong khi đó, lực lượng do Tướng Haftar đứng đầu ủng hộ chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.
Từ tháng 4/2019, lực lượng trung thành với Tướng Haftar phát động chiến dịch quân sự nhằm giành kiểm soát thủ đô Tripoli và gần đây đẩy mạnh tấn công các khu vực xung quanh Tripoli. Tuần trước, GNA đã chính thức đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ quân sự trên bộ, trên không và trên biển.