Máy bay của Nga chở hàng cứu trợ nhân đạo tới sân bay quốc tế Martyr Bassil al-Assad, thành phố Latakia, Syria. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây được Thổ Nhĩ Kỳ công bố là vụ xâm phạm thứ 2 chỉ trong vòng 3 ngày, khiến Ankara phải một lần nữa triệu Đại sứ Nga. Cũng theo Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quân đội lớn thứ 2 trong NATO đã điều động 2 máy bay tiêm kích F-16 xuất kích hôm 3/10 sau khi một máy bay Nga bay vào không phận nước này ở tỉnh miền Nam Hatay.
Trong diễn biến liên quan, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric ngày 5/10 đã cảnh báo rằng sự hiện diện của cả máy bay Nga và máy bay thuộc liên minh do Mỹ đứng đầu trên không phận Syria tạo ra một tình huống "đầy nguy hiểm".
Cùng ngày 5/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo rằng việc máy bay Nga "xâm nhập" không phận Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Washington trong NATO, đã gây ra nguy cơ dẫn đến một tình huống leo thang nghiêm trọng.
Phát biểu tại Chile, ông Kerry nói: "Chúng tôi hết sức quan ngại về vụ việc này vì nếu Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng theo đúng quyền của nước này thì có thể đã xảy ra một vụ bắn hạ".
Trong diễn biến liên quan cùng ngày, nhóm Asaib Ahl al-Haq, một trong những nhóm dân quân theo dòng Hồi giáo Shi'ite mạnh nhất của Iraq, tuyên bố hoàn toàn ủng hộ việc Nga can thiệp và không kích tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông, đồng thời cáo buộc Mỹ thiếu quyết đoán trong chiến dịch chống nhóm cực đoan này.
Theo ông Naim al-Uboudi, người phát ngôn của Asaib Ahl al-Haq, các cuộc không kích của Nga tại Syria đã thu được kết quả, trong khi Mỹ "muốn kiểm soát khủng hoảng hơn là chấm dứt nó".
Nga phản đối thiết lập vùng cấm bay ở Syria
Ngày 5/10, Nga đã lên tiếng phản đối việc thiết lập một vùng cấm bay ở Syria, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền của quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này.
Trả lời hãng thông tấn Interfax, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết: "Tất nhiên, chúng tôi phản đối điều này... Cần phải tôn trọng chủ quyền của các quốc gia". Theo ông Bogdanov, việc thiết lập vùng cấm bay sẽ vi phạm hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk cho biết họ đã thảo luận kế hoạch do Ankara đề xuất về việc thiết lập vùng cấm bay và vùng an toàn không có sự hiện diện của IS tại miền Bắc Syria.