Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng sẽ không có giải pháp cho các vấn đề trong khu vực trừ khi các nước liên quan thay đổi chính sách "thù địch" hiện nay. Trước đó, vào ngày 21/10, Hy Lạp, Cyprus và Ai Cập đã hội đàm về vấn đề Địa Trung Hải và nhất trí cần đấu tranh chống lại chính sách leo thang căng thẳng làm ảnh hưởng tới sự ổn định của khu vực.
Đây là một trong những nội dung đạt được sau hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ 8 giữa Tổng thống Ai Cập Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades.
Hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt ở Địa Trung Hải lâu nay là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Căng thẳng đã leo thang với nhiều hoạt động quân sự trên biển khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu khảo sát Oruc Reis tại vùng biển phía Đông Địa Trung Hải vào tháng 8 vừa qua.
Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã rút tàu Oruc Reis khỏi vùng biển tranh chấp để mở đường cho các biện pháp ngoại giao trước thềm một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU). Khi đó, Ankara khẳng định việc rút tàu khảo sát Oruc Reis không có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ chủ quyền đối với nguồn tài nguyên ở Đông Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, vào ngày 14/10, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã triển khai lại tàu khảo sát Oruc Reis tại khu vực tranh chấp trên Địa Trung Hải. Mới đây nhất, Ankara tuyên bố sẽ gia hạn hoạt động của tàu Oruc Reis đến ngày 27/10 tới.
Phản ứng trước động thái này, Bộ Quốc phòng Hy Lạp thông báo họ đã gửi thông điệp trên hệ thống cảnh báo hàng hải quốc tế NAVTEX, trong đó nêu rõ tàu Oruc Reis đã tham gia vào "hoạt động trái phép và bất hợp pháp trong khu vực chồng lấn thềm lục địa của Hy Lạp".