Thiếu nguồn lực khiến người Afghanistan phải dùng xẻng và tay để cứu nạn nhân động đất

Hơn 2.000 người đã thiệt mạng sau trận động đất độ lớn 6,3 rung chuyển miền Tây Afghanistan ngày 7/10. Khó khăn về nguồn lực khiến tình nguyện viên và nhân viên cứu hộ buộc phải dùng xẻng và thậm chí cả tay không để tìm kiếm nạn nhân và những người sống sót.

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát sau trận động đất tại tỉnh Herat, Afghanistan ngày 7/10. Ảnh: THX/TTXVN

Một nhân viên cứu hộ có tên Sabir ở tỉnh Herat phía Tây Afghanistan chia sẻ với Al Jazeera hôm 8/10: “Không có thiết bị hiện đại và đội tìm kiếm cứu nạn được đào tạo. Điều này có thể dẫn đến gia tăng thương vong. Nếu không khẩn trương tiếp nhận các đội cứu hộ tiên tiến được đào tạo trong khu vực, chúng ta có thể đối mặt với tình trạng gia tăng số người thiệt mạng trong khi điều này có thể tránh được”.

Sabir nói: “Chúng tôi vẫn chưa nắm được số thương vong bởi hầu hết mọi người - dù sống hay đã tử vong - vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát”. Sabir đồng thời cho biết rất khó để nhận định số người vẫn còn mắc kẹt.

Nhân viên cứu hộ này còn nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết về thực phẩm, nước uống và nơi ở, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em bị mất nhà cửa.

Theo Sabir, ngoài thực phẩm, nước uống và lều bạt, những người sống sót còn cần hỗ trợ về y tế và tâm lý. “Một nhu cầu đặc biệt là chăm sóc trẻ mồ côi hoặc ly tán khỏi gia đình. Các em nhỏ này cần hỗ trợ tâm lý, cần ai đó chăm sóc”.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên dùng xẻng tìm kiếm người sống sót và nạn nhân tại tỉnh Herat. Ảnh: AP

Dưới đây là video do hãng thông tấn AFP (Pháp) thực hiện về tình cảnh sau động đất tại Afghanistan hôm 7/10:

Lãnh đạo và người dân địa phương cho biết họ đang gặp khó khăn trong hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. “Cuộc khủng hoảng đã nằm ngoài khả năng của chính quyền địa phương ở Herat”, ông Abdul Baset Rahmani, một chuyên gia quản lý thảm họa hiện làm tình nguyện viên ở Herat, cho biết.

Bất chấp thách thức ngày càng gia tăng, nhân viên cứu hộ và tình nguyện viên vẫn hy vọng cứu được nhiều mạng sống hơn. “Ngôi làng này có dân số gần 2.000 người. Chúng tôi chỉ tìm thấy 40 người. Vẫn có nhiều trường hợp đang mắc kẹt. Nhiều trong số họ còn sống”, Sabir nói khi giúp đỡ công tác cứu hộ ở làng Naib Rafi ở Herat.

Sabir kể rằng anh đã đi ngang qua đống đổ nát của một ngôi nhà và gọi liên tục: “Có ai ở đó không?”. Và một giọng nói cất lên: “Có, tôi còn sống”. Sabir và các đồng nghiệp nhanh chóng giúp người đàn ông ra khỏi đống đổ nát. Tuy nhiên, toàn bộ gia đình người đàn ông này không may mắn như vậy. Sabir bộc bạch: “Đó là khoảnh khắc đau khổ nhất trong cuộc đời tôi”.

Đây là một trong những thảm họa động đất cướp đi nhiều sinh mạng nhất trên thế giới trong 1 năm qua, sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi tháng 2 khiến hơn 50.000 người thiệt mạng. Số nạn nhân thiệt mạng nhiều khả năng tiếp tục tăng khi lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích trong đống đổ nát.

Tại Afghanistan thường xuyên xảy ra động đất, đặc biệt là ở khu vực dãy núi Hindu vốn nằm gần điểm giao nhau của các mảng kiến tạo Á-Âu và Ấn Độ. Hồi tháng 6 năm ngoái, trận động đất có độ lớn 5,9 đã làm rung chuyển tỉnh Paktika, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người mất nhà cửa.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Aljazeera)
Động đất tại Afghanistan: Trung Quốc, Qatar cam kết hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp
Động đất tại Afghanistan: Trung Quốc, Qatar cam kết hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp

Ngày 8/10, Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc cho biết tổ chức này đã quyết định cung cấp cho Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Afghanistan 200.000 USD tiền mặt để hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho đất nước đang chịu thiệt hại nặng nề sau trận động đất kèm nhiều dư chấn mạnh vào cuối tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN