Trong báo cáo công bố ngày 22/8 về tội phạm mạng và lừa đảo, cảnh sát Singapore cho biết, nếu xu hướng này tiếp diễn, thiệt hại tài chính do các vụ lừa đảo gây ra có thể vượt quá 770 triệu USD vào cuối năm nay. Năm 2022, các nạn nhân đã mất tổng cộng 660,7 triệu USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong nửa đầu năm 2024, số vụ lừa đảo tăng 16,3% lên con số kỷ lục 26.587 vụ, so với 22.853 vụ trong cùng kỳ năm 2023. Nạn nhân của các vụ lừa đảo đã mất hơn 385,6 triệu USD, tăng 24,6%. Trong 86% số trường hợp, những kẻ lừa đảo không kiểm soát được tài khoản ngân hàng của nạn nhân, nhưng đã thao túng nạn nhân chuyển tiền cho chúng.
Cũng theo báo cáo, Facebook, WhatsApp và Instagram của Meta là các nền tảng được những kẻ lừa đảo sử dụng nhiều nhất để tiếp cận nạn nhân. Theo đó, trong số hơn 7.700 trường hợp kẻ lừa đảo liên hệ với nạn nhân qua mạng xã hội, Facebook chiếm 64,4% và Instagram chiếm 18,6%. Ngoài ra, trong số hơn 8.300 trường hợp kẻ lừa đảo tiếp cận nạn nhân thông qua nền tảng nhắn tin, WhatsApp chiếm 50,2% và Telegram chiếm 45%.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Nội vụ Singapore Sun Xueling đã bày tỏ lo ngại về tình hình tội phạm lừa đảo ở nước này, đặc biệt là các vụ lừa đảo mạo danh quan chức chính phủ và các nhà đầu tư.
Để ngăn chặn tội phạm lừa đảo, trong 6 tháng đầu năm nay, cảnh sát Singapore đã làm việc với các ngân hàng và chặn đứng các âm mưu lừa đảo chiếm đoạt hơn 204 triệu USD. Đơn vị chống tội phạm lừa đảo của cơ quan cảnh sát Singapore đã xóa 2.700 tài khoản người dùng và các quảng cáo có dấu hiệu lừa đảo.
Kể từ tháng 6, nhà chức trách Singapore cũng đã triển khai chương trình thí điểm xác minh danh tính của người bán hàng trên Facebook Marketplace và các nhà quảng cáo trên Facebook. Đây được cho là chương trình đầu tiên trên toàn cầu.