Theo một đánh giá sơ bộ do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 27/2, các trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng này đã gây ra thiệt hại vật chất trị giá 34,2 tỷ USD.
Tổ chức có trụ sở tại Washington lưu ý rằng tổng chi phí tái thiết và phục hồi mà quốc gia phải đối mặt có thể “lớn gấp đôi”.
“Kinh nghiệm của chúng tôi là nhu cầu tái thiết có thể cao gấp hai đến ba lần thiệt hại vật chất trực tiếp ước tính", bà Anna Bjerde, Phó chủ tịch phụ trách Châu Âu và Trung Á của Ngân hàng Thế giới nói.
Các nhà phân tích cho biết số tiền này tương đương với 4% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2021 và không bao gồm thiệt hại do các trận động đất tương tự ở miền bắc Syria gây ra, đồng thời cho biết thêm rằng ước tính về tổn thất sẽ được công bố chính thức vào cuối tuần này.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, thảm họa cũng sẽ làm giảm ít nhất nửa điểm phần trăm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2023, vốn ban đầu được đặt ở mức từ 3,5% đến 4%.
Vào ngày 6/2, Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria đã hứng chịu trận động đất kinh hoàng, khiến ước tính trên 44.300 người thiệt mạng.
Các trận động đất có độ lớn 7,8 và 7,5 đã gây thiệt hại về sinh mạng nhiều nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, khiến hàng triệu người cần viện trợ nhân đạo, trong khi nhiều người vẫn vô gia cư sau khi hàng nghìn tòa nhà sụp đổ.
Theo Ngân hàng Thế giới, sự kiện thảm khốc kéo theo gần 7.500 dư chấn, gây ra thảm họa lớn nhất như vậy tấn công Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 8 thập kỷ.
Ngày 28/2, tờ Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, trận động đất thảm khốc đã dẫn đến sự sụp đổ hoặc hư hại nghiêm trọng với hơn 200.000 tòa nhà. Tờ báo dẫn lời Bộ trưởng Môi trường, Đô thị hóa và Biến đổi khí hậu Mustafa Kurum cho biết các nhà chức trách cho đến nay đã hoàn thành việc kiểm tra 1,52 triệu tòa nhà trong khu vực. "Chúng tôi đã xác định rằng 582.000 khu vực độc lập và 202.000 tòa nhà đã bị sập hoặc bị hư hại nghiêm trọng và sẽ bị phá hủy ngay lập tức", ông Kurum phát biểu tại một cuộc họp báo ở tỉnh Hatay, nơi hứng chịu nặng nề thảm họa.
Trận động đất đã tác động đến một khu vực là nơi sinh sống của khoảng 13,5 triệu người, tương đương hơn 15% dân số toàn Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Kurum, chỉ riêng ở Hatay, khoảng 60.000 tòa nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng đến mức cần phải phá bỏ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã cam kết xây dựng lại nhà cửa và tái thiết vùng chịu thảm họa trong vòng một năm. Kế hoạch ban đầu là xây dựng 200.000 căn hộ và 70.000 ngôi nhà vùng nông thôn với chi phí ít nhất là 15 tỷ USD. Khoảng 2 triệu người mất nhà cửa do thảm họa đang phải ở trong lều, nhà container và các cơ sở khác trong khu vực và các vùng khác của đất nước, theo Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD).
Tuần trước, tập đoàn tài chính JPMorgan ước tính, các trận động đất kinh hoàng xảy ra ở phía đông nam của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra thiệt hại trực tiếp từ việc phá hủy các cấu trúc vật chất là khoảng 25 tỷ USD. JPMorgan lưu ý rằng tổn thất này sẽ tương đương mức tăng trưởng 2,5% của sản phẩm trong nước.
Trong khi đó, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cho biết các trận động đất có thể gây thiệt hại tới 1% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ.