Thiết bị bay không người lái gây rối loạn dịch vụ hàng không tại sân bay lớn của Mỹ

Dịch vụ hàng không tại sân bay Newark Liberty ở bang New Jersey, miền Bắc nước Mỹ, đã trở nên rối loạn khi nhiều chuyến bay đến sân bay quốc tế lớn này trong ngày 22/1 đã phải chuyển hướng do nhận được thông tin về sự xuất hiện của các thiết bị bay không người lái trên không phận.

Chú thích ảnh
Sân bay Newark Liberty. Ảnh: thousandwonders.net

Theo người phát ngôn Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA), các chuyến bay đến sân bay Newark lớn thứ 11 của Mỹ đã phải tạm dừng trong một thời gian ngắn sau khi nhà chức trách phát hiện 2 thiết bị không người lái bay ở độ cao hơn 1.000 mét tại  khu vực gần sân bay Teterboro cách đó khoảng 27 km. Trung tâm Chỉ huy hệ thống kiểm soát không lưu của FAA đã thông báo vụ việc cho lực lượng thực thi pháp luật để tiến hành điều tra.

Hãng hàng không United Airlines lớn nhất hoạt động tại sân bay Newark cho biết tác động của sự cố nói trên đối với hoạt động của hãng tính đến thời điểm hiện tại là không đáng kể. Hiện United Airlines đang phối hợp với giới chức sân bay Newark và FAA để có thể nối lại hoạt động càng sớm càng tốt.

Các thiết bị bay không người lái gây mất an toàn cho an ninh hàng không dân dụng đã nổi lên là vấn đề đáng lo ngại sau vụ một số thiết bị bay không người lái bay xuất hiện ở khu vực đường băng gây gián đoạn dịch vụ hàng không tại sân bay Gatwick, phía Nam thủ đô London (Anh) hồi cuối năm 2018. Hơn 1.000 chuyến bay đã bị hủy hoặc buộc phải chuyển hướng, ảnh hưởng tới khoảng 140.000 hành khách. Vụ việc tương tự cũng đã xảy ra tại sân bay quốc tế Heathrow của Anh hôm 8/1 vừa qua. Nhằm ngăn chặn các vụ việc kiểu này tái diễn, ngày 7/1, Chính phủ Anh thông báo sẽ mở rộng 5 lần - lên bán kính 5 km quanh sân bay -  phạm vi cấm các thiết bị bay không người lái so với hiện nay, đồng thời trao cho cảnh sát thêm nhiều quyền để chống lại những kẻ cố tình vi phạm.

Việc thiết bị không người lái bay trong khu vực sân bay có thể gây ra nguy hiểm cho các chuyến bay như nguy cơ va chạm hay chui vào động cơ và gây ra những thảm họa hàng không. Tại Mỹ, hồi năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã cho phép Bộ Tư pháp và Bộ An ninh nội địa có quyền tiêu hủy các thiết bị bay không người lái có nguy cơ gây nguy hiểm sau khi xuất hiện những lo ngại về việc các thiết bị bay không người lái có thể được sử dụng như một loại vũ khí.

Hồi tháng 9/2017 tại bang New York đã xảy ra một vụ va chạm giữa một thiết bị bay không người lái dân sự cỡ nhỏ và một trực thăng Black Hawk của quân đội Mỹ. Chiếc trực thăng sau đó đã hạ cánh an toàn nhưng vụ việc đã gây một số hư hại cho máy bay. 

Theo ước tính của Nhà Trắng, Mỹ hiện có gần 1,3 triệu thiết bị bay không người lái đăng ký hoạt động và hơn 116.000 người đăng ký sử dụng. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết vẫn còn hàng trăm nghìn thiết bị bay không người lái được sử dụng "chui" mà không có giấy phép.

Thùy An (TTXVN)
Xuất hiện thiết bị bay không người lái, EasyJet thiệt hại 15 triệu bảng
Xuất hiện thiết bị bay không người lái, EasyJet thiệt hại 15 triệu bảng

Ngày 22/1, hãng hàng không EasyJet của Anh cho biết vụ xuất hiện thiết bị bay không người lái ở đường băng buộc sân bay Gatwick ở thủ đô London phải đóng cửa trước dịp nghỉ lễ Giáng sinh năm ngoái đã khiến hãng này thiệt hại 15 triệu bảng (19,2 triệu USD).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN