Sau khi đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 năm vào quý I/2012, bước sang quý II, kinh tế Trung Quốc tháng 4 tiếp tục đón nhận những thông tin không mấy tích cực.
Kinh tế Trung Quốc sẽ tạm biệt thời kỳ tăng trưởng trên 8%. Ảnh: Internet |
Ngoài sản lượng công nghiệp chỉ tăng 9,3%, thấp nhất kể từ tháng 5/2009, doanh số bán lẻ cũng đạt mức thấp nhất 14 tháng, mới đây, Cục Thống kế Quốc gia Trung Quốc còn cho biết lượng phát điện của Trung Quốc chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2011, giảm mạnh so với mức 7,2% của tháng 3.
Theo nhà phân tích Michael Parker thuộc Công ty Sanford C. Bernstein & Co, lượng phát điện là một trong những chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng kinh tế. Khi lượng phát điện giảm mạnh có nghĩa kinh tế tổng thể xuất hiện vấn đề.
Trong một động thái được cho là nhằm bơm thêm “máu” cho doanh nghiệp, góp phần ổn định tăng trưởng, tối 12/5 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương) đã quyết định hạ 0,5% dự trữ bắt buộc kể từ ngày 18/5 tới.
Tuy nhiên, nhà phân tích Lưu Hiểu Huệ thuộc Công ty UOB-Kay Hian trụ sở ở Hồng Công (Trung Quốc) cho rằng quyết định này vẫn chưa đủ. Việc hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc có kích thích tăng trưởng kinh tế hay không hiện chưa có câu trả lời chính xác.
Theo Lưu Hiểu Huệ, kinh tế Trung Quốc có thể chạm đáy trong quý II/2012, nhưng quý III/2012 có thể tăng trưởng nhanh thế nào vẫn là một vấn đề lớn.
Kinh tế gia hàng đầu khu vực Trung Quốc của Ngân hàng HSBC Khuất Hồng Nguyên thì cho rằng nếu chỉ hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc sẽ không đủ để ổn định kinh tế, mà Trung Quốc cần phải đưa ra thêm một số biện pháp mang tính thực chất như giảm thuế, tăng đầu tư cho lĩnh vực dân sinh…
Nếu các biện pháp này được thực thi một cách hiệu quả, theo Khuất Hồng Nguyên, kinh tế quý II/2012 của Trung Quốc có hi vọng hồi phục sau khi chạm đáy và 6 tháng cuối năm 2012 có thể trở về mức tăng trưởng khoảng 8,5%.
Nhận định về kinh tế quý II/2012 của Trung Quốc, hãng tin tài chính Bloomberg cho rằng nước này có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 7,9% so với mức 8,1% của quý I/2012.
Hà Ngọc