Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ tại Ukraine

Vấn đề Ukraine đã trở thành chuyện nan giải khảo nghiệm năng lực lãnh đạo quốc tế của Mỹ. Sự cứng rắn của Nga đã đẩy Tổng thống Mỹ Barack Obama vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Việc ông Obama mời Thủ tướng của chính phủ lâm thời ở Ukraine thăm Mỹ, theo báo “Thái Dương” của Hong Kong hôm 12/3, mục đích không ngoài việc cho thấy tính hợp pháp của chính phủ lâm thời ở Ukraine. Đây là một bước đi quan trọng nhằm ổn định tình hình Ukraine.

Tàu ngầm thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga đóng tại Sevastopol trên bán đảo Crimea (Crưm). Ảnh: THX


Đồng thời với bước đi trên, Mỹ còn cung cấp viện trợ cho chính phủ lâm thời ở Ukraine, thuê lính đánh thuê của công ty An ninh Black Water đưa vào Ukraine, chiếm giữ những cơ quan trọng yếu của Ukraine và mang tới sự bảo vệ sát sườn cho các thành viên chính phủ lâm thời Ukraine.

Tuy nhiên, những biện pháp này không thể thiết thực giải quyết tình hình nguy ngập hiện nay của Ukraine. Muốn Nga cảm nhận thấy khó khăn rút khỏi Ukraine, Mỹ phải sử dụng sức ép cả về quân sự lẫn kinh tế. Tác giả bài báo cho rằng về quân sự, Mỹ cần đưa quân đội NATO vào đóng ở Ukraine, cung cấp trang bị quy mô lớn và tiến hành bồi dưỡng huấn luyện cho quân đội Ukraine. Về kinh tế, Mỹ cần rót cho Ukraine lượng tiền lớn, giúp chính phủ lâm thời ở nước này ổn định tình hình, giành lấy lòng người, đồng thời phải hiệp đồng với các nước đồng minh thực hiện chế tài kinh tế lâu dài và kiên quyết đối với Nga.

Nhưng hai cách này đối với Mỹ đều không sát thực.

Nếu đưa quân đội NATO vào Ukraine nghĩa là Mỹ phải giao tranh trực diện với Nga và Tổng thống V. Putin hoàn toàn có thể lấy danh nghĩa chống Mỹ giúp đỡ Ukraine, đưa quân tình nguyện của Nga tới đối kháng với quân đội NATO. Khi đó, Ukraine rất có thể trở thành một vũng bùn khác đánh sập quốc lực của Mỹ.

Hơn nữa, loạn lạc chiến tranh ở Ukraine rất có thể ảnh hưởng tới khu vực Trung, Đông Âu, gây ra làn sóng người tị nạn và khủng bố. Đây rõ ràng là cái giá mà Mỹ và châu Âu khó có thể chịu đựng.

Ở khía cạnh chế tài kinh tế, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ không có sự đồng lòng nhất trí, đặc biệt là quan hệ thương mại giữa Đức và Nga rất chặt chẽ, cho nên, chế tài kinh tế sẽ làm phương hại chính EU.

Nhưng nếu cứ ngồi đó nhìn Crimea (Crưm) sáp nhập vào Nga, không chỉ tình hình Ukraine sẽ xuất hiện sự "trở cờ" với Mỹ, mà Ba Lan, Hungary, ba nước Baltic (Estonia, Latvia và Lithuania) cũng sẽ đối mặt với cục diện “môi hở răng lạnh”, các nước Trung, Đông Âu sẽ giảm mạnh xu thế nghiêng về Mỹ.

Trên thực tế, một số nước như Ba Lan đã yêu cầu Mỹ xuất khẩu khí đốt cho Đông Âu, phòng trường hợp Nga dừng cung cấp khí đốt. Nhưng khoảng cách giữa Đông Âu và Mỹ rất xa lại bị cách trở bởi biển lớn, cho nên, về cơ bản Mỹ không thể đáp ứng được yêu cầu của các nước này. Nói tóm lại, Mỹ không thể cuốn vào cuộc chiến với Nga tại Ukraine, cũng không cam lòng từ bỏ Ukraine.

Để giúp Tổng thống Obama thoát khỏi tình trạng khó khăn, tờ “Thái Dương” cho biết mới đây, hai chiến lược gia Mỹ là Zbigniew Brzezinski và Henry Kissinger đã viết bài hiến kế. Quan điểm của Brzezinski và Kissinger cơ bản là giống nhau: Thừa nhận vị trí đặc biệt của Nga ở Crimea, bao gồm quyền đóng quân lâu dài tại căn cứ Hạm đội Biển Đen, nhưng Nga phải cam kết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và độc lập của Ukraine, thừa nhận chính phủ lâm thời hiện nay ở Ukraine.

Tuy nhiên, nếu ông Obama có đề xuất theo ý kiến này thì chưa chắc ông Putin sẽ nhất trí, bởi Nga đang nắm trong tay nhiều quân bài chiến lược. Vì vậy, Mỹ đang gặp thế khó trong xử lý cuộc khủng hoảng ở Ukraine.


Huyền Linh


Ukraine ngừng phát sóng 5 kênh truyền hình Nga
Ukraine ngừng phát sóng 5 kênh truyền hình Nga

Ủy ban quốc gia phát thanh-truyền hình Ukraine đã yêu cầu các nhà cung cấp ngừng phát sóng 5 kênh truyền hình Nga bắt đầu từ 21h00 ngày 11/3 (giờ Moskva, tức 0h00 ngày 12/3 theo giờ VN).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN