Thế giới tuần qua: WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch; Quốc hội Nga thông qua sửa đổi hiến pháp

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu và Thượng viện Nga thông qua dự luật do Tổng thống Vladimir Putin đệ trình về sửa đổi hiến pháp là hai sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

COVID-19 là đại dịch toàn cầu

Chú thích ảnh
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu. Mặc dù tổ chức này nhấn mạnh việc mô tả tình hình COVID-19 hiện nay là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO về mối đe dọa do SARS-CoV-2 gây ra, song điều này vẫn khiến nhiều quốc gia trên thế giới nhận thấy phải hành động mạnh mẽ hơn trong việc ngăn ngừa dịch bệnh. Hàng loạt chính phủ đã đưa ra những biện pháp mới ngay lập tức để đối phó với COVID-19.

Động thái đầu tiên của Mỹ là chính sách "đóng cửa" phòng dịch và tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 11/3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo quyết định ban hành lệnh cấm nhập cảnh từ châu Âu (trừ Anh) trong 30 ngày để ngăn chặn dịch COVID-19. Quyết định đã dẫn tới sự tranh cãi lớn. Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã ra thông báo bày tỏ sự thất vọng và rất bất ngờ về lệnh cấm của Tổng thống Trump.

Chỉ sau đó hai ngày, đến chiều 13/3, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do dịch bệnh COVID-19, đồng thời cam kết cung cấp thêm viện trợ liên bang trị giá hàng tỷ USD nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

Về phần châu Âu, chính phủ mỗi nước cũng đã đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Áo, Đan Mạch, Ukraine, Ba Lan đồng loạt thông báo kế hoạch đóng cửa biên giới. Từ ngày 14/3, các nước sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài trong ít nhất hai tuần.

Italy và Đan Mạch là hai quốc gia châu Âu đầu tiên ban bố tình trạng phong tỏa toàn quốc vì dịch COVID-19. Với tỷ lệ tử vong vì virus chủng mới cao gấp 12 lần các nước trên thế giới, Chính phủ Italy thông báo ngừng tất cả các hoạt động thương mại, trừ hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm. Toàn bộ học sinh nghỉ học, thủ đô Rome đóng cửa hai sân bay. Số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Italy tính đến chiều 14/3 là 17.660 trường hợp và số ca tử vong là 1.266.

Trong một diễn biến khác, khi các nước phương Tây gồng mình gánh dịch thì Trung Quốc tuyên bố đã vượt qua đỉnh dịch khi số ca nhiễm mới ghi nhận trong một vài ngày gần đây chỉ ở mức một con số. Tỉnh Hồ Bắc – nơi trước đây bị coi là tâm dịch tại Trung Quốc - đã bắt đầu nới lỏng hạn chế đi lại. Nhiều địa danh du lịch và trường học tại một số địa phương ở Trung Quốc mở cửa trở lại.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên toàn cầu, lây lan ra ít nhất 145 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến trên 145.993 ca mắc bệnh và ít nhất 5.440 người tử vong tính đến 5h chiều 14/3.

Không chỉ người dân mà nhiều quan chức, chính trị gia, cầu thủ, vận động viên, diễn viên tại các nước cũng xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Điều này dẫn tới một loạt sự kiện chính trị, thể thao và giải trí bị gián đoạn như Quốc hội Canada tạm dừng hoạt động hay các giải đấu thể thao hàng đầu châu Âu đồng loạt ngừng vì COVID-19.

Quốc hội Nga thông qua sửa đổi hiến pháp

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp Hạ viện Nga tại Moskva ngày 10/3. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 11/3, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua dự luật do Tổng thống Vladimir Putin đệ trình về sửa đổi hiến pháp. Dự luật có tên gọi “Cải thiện quy định về một số vấn đề tổ chức và hoạt động của cơ quan công quyền”, trong đó đưa ra những quy định mới đối với tổng thống và quan chức các cấp, thay đổi quyền hạn của quốc hội cũng như lệnh cấm chuyển nhượng các vùng lãnh thổ liên bang. Trước đó cùng ngày, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua lần cuối dự luật.

Theo quy định, Tổng thống Putin sẽ mãn nhiệm vào năm 2024 sau khi nhiệm kỳ thứ 4 kết thúc. Tuy nhiên, sau khi nội dung sửa đổi hiến pháp về dỡ bỏ giới hạn số lượng nhiệm kỳ mà một tổng thống có thể phục vụ đất nước có hiệu lực,Tổng thống Putin có thể tiếp tục ra tranh cử sau khi mãn nhiệm vào năm 2024.

Hồi cuối tháng 1 vừa qua, Tổng thống Putin đã đệ trình dự luật sửa đổi hiến pháp lên Duma Quốc gia. Trong bài phát biểu trước phiên họp toàn thể của Duma Quốc gia ngày 10/3, nhà lãnh đạo Nga nêu rõ sửa đổi hiến pháp nhằm tăng cường chủ quyền và truyền thống quốc gia, đồng thời tạo điều kiện để nước Nga phát triển ổn định, tích cực và tiến bộ về dài hạn.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
WHO tuyên bố châu Âu hiện là 'trung tâm' của đại dịch COVID-19 toàn cầu
WHO tuyên bố châu Âu hiện là 'trung tâm' của đại dịch COVID-19 toàn cầu

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 13/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định rằng châu Âu hiện là "trung tâm" của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 toàn cầu và cảnh báo không thể biết khi nào dịch bệnh sẽ bùng phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN