Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo
Ngày 15/9, Triều Tiên đã thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa. Đây là một trong những lần thử tên lửa Bình Nhưỡng triển khai liên tiếp trong thời gian qua. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết các tên lửa đã bay xa 800km rồi tấn công mục tiêu giả định tại bờ biển phía Đông nước này. Theo KCNA, cuộc thử nghiệm tên lửa phóng từ tàu hỏa đã được chuẩn bị từ đầu năm nay.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) nhận định hệ thống đường sắt tạo điều kiện để Triều Tiên bí mật di chuyển và phóng tên lửa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hệ thống phóng tên lửa từ tàu hỏa này dễ trở thành mục tiêu khi xảy ra khủng hoảng.
Giáo sư dự bị Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha (Hàn Quốc) đánh giá việc Triều Tiên phóng thử tên lửa phần lớn là nhằm mục đích “phát triển năng lực quân sự và nỗ lực tăng cường đoàn kết trong nước”.
Ngày 15/9, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cũng xác nhận đã phát hiện 2 tên lửa rơi bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sau đó phát biểu: “Đây là mối đe dọa đến hòa bình và an ninh của đất nước chúng tôi cũng như của khu vực. Động thái này còn trái với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng tôi mạnh mẽ lên án hành động này”.
Các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo. Theo đó, tên lửa đạn đạo được cho nguy hiểm hơn tên lửa hành trình bởi có thể mang theo trọng tải lớn, có tầm bắn xa và tốc độ nhanh hơn.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã triệu tập tham vấn khẩn cấp về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào chiều 15/9 theo yêu cầu của Pháp và Estonia. Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric bày tỏ quan ngại về vụ phóng tên lửa và nhắc lại rằng “can dự ngoại giao vẫn là con đường duy nhất dẫn tới hòa bình bền vững và phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng được trên Bán đảo Triều Tiên”.
Ông Easley nhận định: “Để nâng cấp năng lực vũ khí, trong thời gian tới Bình Nhưỡng có thể thử nghiệm hệ thống phóng tên lửa từ tàu ngầm thay vì tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc vũ khí hạt nhân”. Nhiều nhà phân tích dự đoán Triều Tiên có thể thử nghiệm vũ khí quanh thời điểm diễn ra sự kiện kỷ niệm nhà nước, một ví dụ là ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào 10/10.
Trước đó, vào sáng 13/9, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết nước này đã phóng thử tên lửa hành trình trong hai ngày 11 và 12/9. Tên lửa hành trình vốn bay thấp và chậm hơn so với tên lửa đạn đạo. Chúng có thể chuyển hướng trong quá trình bay. Ngoài ra, việc bay ở tầm thấp đồng nghĩa với việc hệ thống radar trên mặt đất thường chỉ phát hiện ra những tên lửa hành trình trong giai đoạn cuối trước khi chúng tấn công mục tiêu. Thời điểm đó, chúng đã ở độ cao quá thấp, dẫn đến khó tìm được cách đánh chặn thành công.
Cùng ngày 15/9, chỉ vài giờ sau thông tin về tên lửa Triều Tiên, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo nước này đã lần đầu thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Đây là tên lửa do Hàn Quốc tự sản xuất và được phóng từ tàu ngầm 3.000 tấn.
Ra đời liên minh AUKUS
Nhà Trắng vào ngày 15/9 đã đăng tải thông cáo chung thành lập liên minh 3 bên “AUKUS” gồm Australia, Anh và Mỹ.
Thông cáo chung nhấn mạnh: “Thông qua AUKUS, các chính phủ sẽ củng cố năng lực của chính mình để hỗ trợ các lợi ích an ninh và quốc phòng của nhau, xây dựng trên mối quan hệ song phương lâu dài và liên tục. Chúng tôi sẽ thúc đẩy chia sẻ thông tin và công nghệ sâu hơn. Đẩy mạnh kết hợp sâu hơn về an ninh khoa học liên quan đến quốc phòng, công nghệ, cơ sở công nghiệp và chuỗi cung ứng. Và đặc biệt, chúng ta sẽ hợp tác sâu hơn về một loạt các khả năng an ninh và quốc phòng".
Kênh CNN (Mỹ) cho biết dựa trên thỏa thuận, ba nước sẽ tổ chức các cuộc họp để phối hợp về vấn đề mạng, công nghệ tiên tiến và quốc phòng nhằm giúp họ đối phó tốt hơn trước các thách thức an ninh hiện đại. Bên cạnh đó, AUKUS cũng sẽ tập trung vào năng lực không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử.
Thông cáo chung cũng có đoạn: “Trong hơn 70 năm, Australia, Anh và Mỹ, cùng với các đồng minh và đối tác quan trọng khác đã phối hợp cùng nhau để bảo vệ các giá trị chung cũng như thúc đẩy an ninh và thịnh vượng. Ngày nay, với sự hình thành của AUKUS, chúng tôi tái cam kết với tầm nhìn này”.
Dự án đầu tiên của AUKUS là Mỹ, Anh sẽ chia sẻ công nghệ và chuyên môn để hỗ trợ Australia chế tạo tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân đầu tiên của nước này. Đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm của nước này. Trước đó, Mỹ mới chỉ chia sẻ công nghệ với Anh.
Động thái trên cũng đồng nghĩa với việc chính phủ Australia hủy bỏ thỏa thuận hàng chục tỷ USD thuê công ty Pháp Naval Group chế tạo 12 tàu ngầm chạy diesel.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết những tàu ngầm hạt nhân này sẽ không gia nhập hạm đội cho đến năm 2040. Trong cuộc họp báo sau đó, nhà lãnh đạo Australia miêu tả AUKUS là “quan hệ đối tác mãi mãi”. Tàu ngầm năng lượng hạt nhân thường vượt trội hơn so với tàu ngầm chạy bằng diesel vì chúng có thể vận hành yên tĩnh hơn và ở dưới nước lâu hơn. Mỹ, Anh và Australia chưa công bố chi tiết sự hợp tác này sẽ vận hành như thế nào, tổng chi phí, số lượng tàu ngầm sẽ đóng và những doanh nghiệp góp mặt.
Việc Australia hủy thỏa thuận tàu ngầm với nhà sản xuất Pháp khiến Paris không hài lòng bởi cho rằng điều này đồng nghĩa với thất thu cho ngành công nghiệp quốc phòng Pháp nhưng lại là “mẻ lưới lớn” cho các doanh nghiệp Mỹ. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu trên đài phát thanh Franceinfo nhận xét: “Điều này không nên xảy ra giữa các đồng minh”. Ông còn so sánh động thái này với chính sách đột ngột và hấp tấp thường thấy dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã phát biểu về thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân của AUKUS: "Sự hợp tác của Mỹ, Anh và Australia về tàu ngầm hạt nhân gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực, gia tăng chạy đua vũ trang và gây nguy hiểm cho các nỗ lực quốc tế trong việc thúc đẩy không phổ biến vũ khí hạt nhân”.