Thế giới tuần qua: Tổng thống Trump ‘dằn mặt’ Iran, công khai 'đấu tố' Trung Quốc tại LHQ

Trên trường quốc tế tuần qua, mọi con mắt đều hướng về sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong kỳ họp khoá 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Bài phát biểu trước lãnh đạo các nước của Tổng thống Trump tiếp tục "gây bão" với nội dung chủ yếu xoay quanh vấn đề căng thẳng với Iran và Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Khóa họp 73 Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) ngày 25/9/2018. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ, Iran ‘khẩu chiến’ tại LHQ

Tổng thống Donald Trump hôm 25/9 đã tấn công Iran trong một bài phát biểu gay gắt tại ĐHĐ LHQ, gợi nhớ lại thời điểm 1 năm trước ông cũng có bài phát biểu chỉ trích Triều Tiên tương tự trong kỳ họp lần thứ 72.

Tổng thống Trump lặp lại lời chỉ trích về thỏa thuận hạt nhân 2015, cáo buộc các nhà lãnh đạo Iran ủng hộ khủng bố, tham nhũng và gieo rắc hỗn loạn ở Trung Đông. Ông cam kết áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế hơn đối với Iran và kêu gọi cộng đồng quốc tế cô lập nước cộng hoà Hồi giáo.

Ngay sau đó vài giờ, nhà lãnh tụ Iran Hassan Rouhani có bài diễn văn lên án Mỹ muốn thay đổi chế độ tại nước Cộng hòa Hồi giáo này và nhấn mạnh Tổng thống Trump sẽ không nhận được kết quả mong muốn, bao gồm việc đàm phán với Tehran.

Tổng thống Rouhani khẳng định rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ phải diễn ra trong bối cảnh đa phương của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và đổ lỗi chính Mỹ đã không duy trì thỏa thuận.

Theo cảnh báo của các chuyên gia, chiến lược đối với Iran của chính quyền Tổng thống Trump về cơ bản là thiếu sót và hiểu sai nền chính trị trong nước của Iran. Đa số các thành viên HĐBA LHQ không mấy hưởng ứng lời kêu gọi quốc tế cô lập Iran mà Tổng thống Trump nêu ra. Việc Mỹ tự ý rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 đã tạo ra những vết nứt ngày một lớn hơn giữa Washington và các đồng minh, trong đó có Pháp, Đức, và Anh.

Hơn thế nữa, giới chuyên gia còn nhận định việc Mỹ cô lập Iran sẽ khiến Trung Quốc và Nga được hưởng lợi. Pascal Boniface - chuyên gia người Pháp và hiện là Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) - cho rằng Mỹ đang đẩy Iran xích lại gần Nga và Trung Quốc hơn trong bối cảnh mối quan hệ liên minh Moskva - Tehran ngày càng khăng khít tại Syria, còn Iran và Trung Quốc lại tìm đến nhau trong hoạt động kinh doanh dầu lửa.

Tổng thống Rouhani từng khẳng định Mỹ không có khả năng duy trì các lệnh trừng phạt chống lại Tehran trong thời gian dài, bởi những hạn chế sẽ cản trở các hoạt động kinh doanh thương mại thông thường. Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN ngày 25/9, Tổng thống Rouhani cho rằng Mỹ đang nhắm mục tiêu vào người dân chứ không phải Chính phủ Iran và tin rằng lịch sử sẽ chứng minh sai lầm của Washington.

Bước chuyển trong chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh

Trong bối cảnh xung đột thương mại với Trung Quốc leo thang căng thẳng, Tổng thống Trump bày tỏ thái độ không nhân nhượng đối với Bắc Kinh trước Đại hội đồng LHQ. Theo AFP, nhà lãnh đạo Mỹ cáo buộc Trung Quốc “không ngừng bán phá giá sản phẩm” và áp dụng “những chiêu trò thiếu công bằng khác” trong quan hệ thương mại với Mỹ. Có lẽ hiếm có Tổng thống Mỹ nào công khai chỉ trích Trung Quốc tại một kỳ họp LHQ như ông Trump.

Không chỉ có vậy, Tổng thống Trump còn tố cáo Trung Quốc “tìm cách can thiệp” vào cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ vào tháng 11, để kết quả bất lợi cho đảng Cộng hòa nhằm trả đũa cuộc chiến thương mại đang nổ ra. “Trung Quốc đang cố gắng chen chân vào cuộc bầu cử sắp tới của chúng tôi, diễn ra vào tháng 11. Họ muốn chống lại chính quyền của tôi”, hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Trump phát biểu ngày 26/9.

Theo hãng này, chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách đẩy lùi Trung Quốc trên nhiều mặt trận, bao gồm "chiến dịch tạo ảnh hưởng chính trị”. Trung Quốc đã mua bài viết dài 4 trang trên báo Mỹ Des Moines Register (tại bang Iowa) có nội dung chỉ rõ sai lầm của Tổng thống Trump và những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại. Bang Iowa là bang đã bầu chọn cho Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử 2016.

Phản ứng trước sự chỉ trích nặng nề từ Tổng thống Trump, phía Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ ngừng những cáo buộc vô căn cứ đang làm tổn hại tới quan hệ song phương.

Giới chuyên gia cho rằng việc Tổng thống Trump bất ngờ công khai chỉ trích Trung Quốc tại LHQ đánh dấu một giai đoạn mới trong một chiến dịch gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh.

Giáo sư Zhao Ma, đang làm việc tại Đại học Washington ở St. Louis, Mỹ, chỉ rằng LHQ là diễn đàn có ý nghĩa đặc biệt với Trung Quốc. "Công khai chỉ trích Trung Quốc ngay tại diễn đàn được Trung Quốc chú trọng nhất cho thấy chính quyền Trump cố gắng gây sức ép tối đa lên Trung Quốc tại các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai," ông Zhao nói.

Theo Reuters, hiện Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, từ lâu được biết đến là nhân vật có quan điểm “diều hâu” với Bắc Kinh, đã thuyết phục được Tổng thống Trump có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh và cách tiếp cận này sẽ vượt ra ngoài cuộc chiến thương mại khốc liệt giữa hai bên.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
'Rồng lửa' S-400 uy lực hơn gì so với S-300 mà Syria nóng lòng sở hữu thêm?
'Rồng lửa' S-400 uy lực hơn gì so với S-300 mà Syria nóng lòng sở hữu thêm?

Cùng do Tổng công ty khoa học công nghiệp Almaz Nga thiết kế sản xuất, "Rồng lửa" S-400 có nhiều điểm ưu việt so với hệ thống tên lửa pho đàn anh S-300 mà Syria đang được Nga gấp rút chuyển giao. Sau S-300, Damascus đang nóng lòng sở hữu thêm cả S-400.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN