Rắc rối pháp lý bủa vây Tổng thống Trump
Ngày 24/9, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố Mỹ sẽ tiến hành một cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bà Pelosi cho biết 6 ủy ban của Hạ viện hiện đã đang tiến hành điều tra Tổng thống Trump trong nhiều lĩnh vực sẽ tiếp tục thực hiện các tiến trình.
Phản ứng trước sự việc, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng chỉ trích cuộc điều tra luận tội nhằm vào ông mà đảng Dân chủ phát động là "một nỗi hổ thẹn" và cần phải bị ngăn chặn.
Động thái đề xuất luận tội được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đang phải đối mặt với cáo buộc đã gây sức ép với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhằm tiến hành cuộc điều tra tham nhũng đối với Hunter Biden, con trai của ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.
Ngay sau khi Hạ viện tuyên bố tiến hành điều tra luận tội tổng thống, Nhà Trắng lập tức công bố bản gỡ băng cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Zelenskiy hồi tháng 7. Theo bản gỡ băng do Bộ Tư pháp cung cấp, ông Trump đề nghị ông Zelenskiy điều tra xem có phải ông Biden đã ngăn cản cuộc điều tra nhằm một công ty ở Ukraine mà con trai ông là Hunter Biden từng làm việc hay không.
Đến ngày 26/9, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố đơn khiếu nại của người tố giác Tổng thống Trump lên Tổng thanh tra Cộng đồng tình báo Mỹ liên quan tới cuộc điện đàm. Người tố giác cho biết đã nhận được thông tin từ nhiều quan chức chính phủ, đồng thời còn nhấn mạnh các quan chức Nhà Trắng đã can thiệp để "phong tỏa" tất cả các bản ghi chép về cuộc điện đàm. Tờ New York Times dẫn một số nguồn tin cho biết nhân vật tố giác có thể là một nam sĩ quan làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, quá trình luận tội bắt đầu từ Ủy ban Tư pháp Hạ viện. Nếu Ủy ban khẳng định đủ chứng cứ, các cáo buộc luận tội sẽ được soạn thảo và một phiên xử sẽ được tổ chức tại Thượng viện. Các thành viên Hạ viện đóng vai trò công tố; các thượng nghị sĩ làm bồi thẩm đoàn; chánh án của Tòa án Tối cao Mỹ làm chủ tọa. Cần phải đạt đa số 2/3 trong Thượng viện gồm 100 thượng nghị sỹ để quyết định tổng thống có phạm tội hay không.
Trong lịch sử nước Mỹ, chưa có tổng thống nào bị cách chức vì bị luận tội, nhưng việc đe dọa sẽ bị luận tội từng khiến một tổng thống Mỹ bị hạ bệ. Richard Nixon đã xin từ chức năm 1974 trước khi quá trình luận tội bắt đầu do vụ bê bối Watergate. Hai tổng thống Mỹ khác cũng từng bị ảnh hưởng bởi thủ tục này là Tổng thống Andrew Johnson năm 1868, và Tổng thống Bill Clinton năm 1998. Tuy nhiên, cả hai đều không bị kết tội tại Thượng viện.
Căng thẳng vẫn chưa thể hóa giải tại LHQ
9h sáng ngày 24/9 (giờ New York), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) đã bắt đầu các phiên thảo luận chung cấp cao chính thức tại trụ sở ở New York (Mỹ) với sự tham gia của các nhà lãnh đạo thế giới và đại diện ngoại giao từ 193 quốc gia.
Trong cuộc thảo luận chung, các nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương và kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế cùng giải quyết các mối đe dọa và thách thức chung.
Tiêu điểm trong phiên thảo luận là bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là lần thứ 3 nhà lãnh đạo Mỹ có bài phát biểu trước ĐHĐ LHQ. Tổng thống Trump trình bày quan điểm về nhiều vấn đề, từ chủ quyền, nền tảng và trách nhiệm phòng vệ quốc gia cho đến quan điểm của Mỹ về Iran, Triều Tiên hay cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Xuyên suốt bài phát biểu này, chính sách "Nước Mỹ trước tiên" một lần nữa được ông Trump đề cao như một thông điệp mạnh mẽ. Giới quan sát nhận định với bài phát biểu lần này tại ĐHĐ LHQ, Tổng thống Trump dường như muốn tận dụng diễn đàn để khẳng định lại chính sách của ông trong bối cảnh ông đang tìm kiếm nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.
Quan hệ giữa Mỹ và các nước, cụ thể như Nga, Trung Quốc và Iran cũng là một điểm đáng chú ý khác trong khuôn khổ ĐHĐ LHQ lần này.
Mặc dù Mỹ-Trung đã ấn định thời điểm diễn ra vòng đàm phán thương mại tiếp theo giữa hai nước trong tuần thứ hai của tháng 10 song Tổng thống Trump vẫn tận dụng cơ hội đứng tại Liên hợp quốc kich liệt lên án chính sách thương mại của Bắc Kinh.
Về phần quan hệ Mỹ-Iran, trong bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ, Tổng thống Hassan Rouhani đã nêu ra điều kiện mở rộng các vấn đề đàm phán với Mỹ. Nhà lãnh đạo Rouhani cho biết nước này có thể thảo luận những vấn đề khác với Mỹ nếu thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc được thực thi đầy đủ. Phát biểu tại cuộc họp báo cũng bên lề kỳ họp, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ Washington muốn một giải pháp hòa bình nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Iran, song điều này phụ thuộc vào Tehran. Tuy nhiên, kết thúc phiên thảo luận tại ĐHĐ LHQ, lãnh đạo hai nước Mỹ-Iran vẫn tiếp tục đưa ra những tuyên bố đầy mâu thuẫn, chứng tỏ khoảng cách chưa được rút ngắn.
Trong khi đó, giữa Nga và Mỹ lại bùng phát cuộc chiến cấp thị thực. Cụ thể, 10 nhà ngoại giao Nga bị từ chối cấp thị thực vào Mỹ, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của cả hai viện Quốc hội Nga - những người đã thăm Mỹ rất nhiều lần trước đó.
Ngoại trưởng Nga Ngoại trưởng Sergey Lavrov khẳng định phía Nga đã có động thái phản đối ngay khi Mỹ từ chối cấp thị thực. Tuy nhiên, ông cho rằng thái độ của phía Mỹ là không phù hợp và Nga sẽ có phản ứng mạnh mẽ. Moskva cũng đã triệu Đại sứ Mỹ tại Moskva đến để phản đối việc Mỹ từ chối cấp thị thực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích hành động của Mỹ vi phạm các cam kết quốc tế.