Tiến triển mới trong đàm phán COC
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thường niên lần thứ 51 (AMM 51) đã diễn ra tại tại Trung tâm hội nghị quốc tế Singapore Expo.
Hội nghị AMM 51 đã chứng kiến có tín hiệu tiến triển trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tờ Straitstimes dẫn lời Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định trước thềm cuộc họp cấp Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc ngày 2/8 rằng hai phía đã thống nhất về các “thể thức then chốt” cho những vòng đàm phán trong tương lai.
Sau đó, trong một buổi họp báo, Ngoại trưởng Balakrishnan nêu bật “thành tự lớn” là việc ngày 3/8 ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận một "văn bản duy nhất" đàm phán về COC, một bước tiến quan trọng hướng tới việc thu hẹp sự khác biệt giữa các bên.
Ngoại trưởng Balakrishnan đánh giá văn bản dự thảo sẽ là cơ sở cho các đàm phán về COC trong thời gian tới, đồng thời sẽ được chỉnh sửa, cập nhật liên tục. Văn bản này gồm 19 trang và được chia thành 3 phần chính: điều khoản sơ bộ, điều khoản tổng quát và điều khoản cuối cùng.
Đây là cột mốc quan trọng trong tiến trình đàm phán COC, kể từ Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc về thực thi Tuyên bố ứng cử của các bên ở Biển Đông (DOC) diễn ra tại Trung Quốc vào tháng 6/2018.
Về phần mình, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đánh giá cao bước tiến này. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng không có can thiệp từ bên ngoài, đàm phán COC sẽ tăng tốc. Tiến độ trước đây cho thấy Trung Quốc và các quốc gia ASEAN có khả năng duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, đồng thời chia sẻ nhận thức chung để cùng đi đến bộ quy tắc ứng xử trong khu vực mà tất cả các bên sẽ tuân theo”.
Các đàm phán về COC đã bắt đầu từ tháng 3/2018, sau khi Trung Quốc và ASEAN thông qua dự thảo khung COC trong năm 2017.
Nhật Bản soán ngôi Trung Quốc trở thành thị trường trứng khoán lớn thứ hai thế giới
Hãng tin Bloomberg ngày 2/8 đưa tin giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc đang ở mức 6,09 nghìn tỷ USD, trong khi Nhật Bản là 6,17 nghìn tỷ USD. Như vậy, Nhật Bản đã giành lại vị trí thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới, vốn bị Trung Quốc nắm giữ từ cuối năm 2014.
Mỹ vẫn giữ “ngôi vương” trong thị trường chứng khoán ở mức hơn 31 nghìn tỷ USD.
Giá trị vốn hóa và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã chịu nhiều áp lực trong năm 2018 vì cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Nhà nghiên cứu Banny Lam tại Tập đoàn đầu tư quốc tế CEB ở Hong Kong (Trung Quốc) nhận định: “Để mất vị trí vào tay Nhật Bản là tổn thất bắt nguồn từ cuộc chiến tranh thương mại. Quy mô giá trị vốn hóa của Nhật Bản ổn định hơn ở mức hiện tại nhưng giá trị vốn hóa của Trung Quốc trong năm nay lại trượt dốc”.
Chỉ số Shanghai Composite Index trên sàn giao dịch Thượng Hải (Trung Quốc) đã bốc hơi 17% trong năm 2018, nằm trong nhóm tồi tệ nhất trên thế giới. Chứng khoán công nghiệp và công nghệ là nhóm “thất bát” nhất của Trung Quốc.
Theo Bloomberg, việc thị trường chứng khoán Trung Quốc trượt khỏi vị trí thứ hai cho thấy vai trò của quốc gia này trong thị trường tài chính toàn cầu vẫn chưa đủ mạnh. Trong tháng 6, nhân dân tệ giữ mức 1,81% giao dịch tiền tệ trên toàn thế giới, giảm so với mức 1,88% của tháng 5. Trong 6 tháng qua, đồng nhân dân tệ cũng đã giảm hơn 8% so với USD.