Thế giới tuần qua: Thượng đỉnh Mỹ-Triều trở lại quĩ đạo, Mỹ áp thuế khiến đồng minh mất lòng

Trong tuần qua, “số phận” không rõ ràng về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-CHDCND Triều Tiên, việc Mỹ áp đặt thuế nhôm và thép nhập khẩu từ các quốc gia đồng minh và khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 là những chủ đề được truyền thông thế giới đưa tin đậm nét.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Trở lại quĩ đạo

Những bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên đã khiến cho “số phận” của hội nghị thượng đỉnh này trở nên khó đoán định. Triều Tiên cảnh cáo rút lui trước, viện dẫn 2 lý do bao gồm cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc cũng như chủ trương của chính quyền Tổng thống Trump muốn Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân một cách vô điều kiện.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: ABC News

Vào ngày 24/5, Tổng thống Trump đã đơn phương hủy hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến tổ chức vào ngày 12/6. Điều đặc biệt là cùng ngày 24/5, Triều Tiên tuyên bố phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Ngày 25/5, Triều Tiên chủ động khẳng định vẫn sẵn sàng đối thoại với Mỹ ở bất cứ thời điểm nào.

Đến ngày 26/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đến phần lãnh thổ thuộc Triều Tiên tại làng đình chiến Panmunjom để gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Dưới đây là video về ông Kim Yong-chol đến Nhà Trắng (nguồn: AP)



Ngày 1/6, sau khi gặp gỡ Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên Kim Yong-chol tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sẽ được tổ chức vào ngày 12/6 tại Singapore như kế hoạch ban đầu.

Về diễn biến này, kênh CNN (Mỹ) dẫn lời giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung Tâm Lợi ích Quốc gia trụ sở ở Washington, D.C. nhận định: “Tổng thống Trump dường như muốn thuyết phục Triều Tiên gật đầu với thỏa thuận hạt nhân tiềm năng bằng cách cho Bình Nhưỡng thấy rằng Washington có thể đảm bảo an ninh và hỗ trợ kinh tế cho quốc gia này”.

Trung Quốc được nhắc đến nhiều trong mở đầu Đối thoại Shangri-La

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định Mỹ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong mối quan hệ “hướng vào mục tiêu thành quả”. Bên cạnh đó, hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là mang tính áp bức và Lầu Năm Góc sẽ “cạnh tranh mạnh mẽ” nếu cần thiết.

“Tôi tin rằng sẽ có hậu quả lớn hơn trong tương lai khi khi các quốc gia mất đi mối quan hệ hòa hợp với láng giềng”, Bộ trưởng Mattis cho hay.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: CNN

Cũng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ca ngợi châu Á là tương lai kinh tế thế giới, bên cạnh đó ông cũng đề cập đến Trung Quốc.

“Tôi tin tưởng rằng châu Á cũng như thế giới sẽ có tương lai tốt đẹp hơn khi Ấn Độ và Trung Quốc hợp tác với tin cậy”, Thủ tướng Modi nói.

Mặc dù có ca ngợi láng giềng Trung Quốc nhưng Ấn Độ từ lâu đã theo dõi động thái của Bắc Kinh trong khu vực với cảnh giác cao, đặc biệt là tình hình tại Biển Đông.

Thủ tướng Modi nêu rõ: “Ấn Độ ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở cùng dẫn dắt chúng ta theo đuổi phát triển và thịnh vượng. Trong đó bao gồm mọi quốc gia cùng thuộc khu vực và những đất nước khác có liên quan. Chúng ta đều nên được cho phép hưởng lợi ích ngang bằng từ việc tận dụng không gian biển và bầu trời mà không bị phân biệt. Khi chúng ta đều thống nhất tuân theo điều này thì tuyến đường biển sẽ đem đến thịnh vượng và là hành lang cho hòa bình”.

Mỹ áp đặt thuế khiến đồng minh "nóng mặt"

Mỹ đã áp đặt mức thuế nhập khẩu thép và nhôm đối với các đồng minh chiến lược tại châu Âu và Bắc Mỹ khiến Mexico, Canada và liên minh châu Âu (EU) đều lên tiếng phản đối, cho rằng đây là động thái mang tính bảo hộ. Đài BBC đưa tin Anh khẳng định “vô cùng thất vọng” về quyết định của Mỹ.

EU cảnh báo sẽ đáp trả việc Mỹ áp dụng mức thuế mới với thép và nhôm nhập khẩu. Ảnh: Reuters

Theo đó, vào ngày 31/5 Tổng thống Mỹ Trump công bố sẽ áp đặt mức thuế 25% đối với thép và 10% với nhôm nhập khẩu từ châu Âu, Mexico và Canada.

Đáp trả lại động thái này, Canada khẳng định sẽ áp đặt mức thuế 25% với một số loại thép của Mỹ và 10% với các mặt hàng khác như rượu whiskey, cà phê rang và sữa chua. Bộ Kinh tế Mexico khẳng định đang lên kế hoạch áp đặt thuế mới với thép, táo, nho, pho mát… từ Mỹ.

Số thép và nhôm Canada, Mexico và EU xuất khẩu đến Mỹ trong năm 2017 trị giá 23 tỉ USD, chiếm gần một nửa số thép và nhôm nhập khẩu đến Mỹ trong cùng năm.

Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ, cổ phiếu của các nhà sản xuất thép Mỹ đều tăng trong ngày 31/5. Tuy nhiên, những doanh nghiệp Mỹ hoạt động phụ thuộc nhiều vào kim loại như nhà sản xuất máy bay Boeing và công ty về máy móc Caterpillar lại đối mặt với tình trạng sụt giảm cổ phiếu.

Hà Linh/Báo Tin tức
Xem Tổng thống Trump 'lưu luyến' tiễn Tướng Triều Tiên tận cửa xe ô tô
Xem Tổng thống Trump 'lưu luyến' tiễn Tướng Triều Tiên tận cửa xe ô tô

Ngày 1/6, sau cuộc hội đàm kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "lưu luyến" tiễn Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên tận cửa ô tô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN