Thế giới tuần qua: Thảm họa giẫm đạp tại Hàn Quốc; Sập cầu ở Ấn Độ; FED tăng lãi suất

Thế giới vừa trải một tuần mất mát to lớn khi thảm kịch liên quan đến đám đông mất kiểm soát liên tiếp xảy ra tại Hàn Quốc và Ấn Độ khiến hàng trăm người thiệt mạng. Ngoài ra, động thái Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh lãi suất cũng thu hút sự chú ý.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ giẫm đạp tại Itaewon, Seoul, Hàn Quốc, ngày 30/10/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Những đám đông mất kiểm soát

Tại Hàn Quốc, khu phố Itaewon ở thủ đô Seoul nổi tiếng là một điểm tụ tập náo nhiệt, đầy tự do của giới trẻ. Nhưng những con phố chật hẹp, dốc thẳng đứng và thiếu lối giao nhau ở đây đã hóa thành một cái bẫy chết người đối với những bạn trẻ đi chơi đêm Halloween 29/10 vừa qua. Thật đáng buồn, 156 người, trong đó có 101 phụ nữ, đã vĩnh viễn ra đi vào đêm hôm đó với nguyên nhân chủ yếu là bị chèn ép và ngạt khí sau khi đám đông trở nên mất kiểm soát. 

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin bắt đầu từ đầu giờ tối 29/10, các thanh niên trẻ đã kéo về khu phố sôi động này để tận hưởng không khí của ngày lễ hội ma quái. Đám đông, trong đó có nhiều người nước ngoài, càng lúc càng nhiều hơn. Giới chức địa phương ước tính lượng người rời khỏi nhà ga điện ngầm Itaewon hôm đó nhiều gấp đôi so với năm ngoái, với khoảng 100.000 người. Ba con phố và hẻm nhỏ dẫn đến nhà ga này đã chật kín người. 

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng Hàn Quốc điều tra tại hiện trường vụ giẫm đạp trong lễ Halloween ở Itaewon, Seoul ngày 30/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Được biết, những đám đông quá mức đã ùn ùn tiến về con phố “World Food Street” nằm sau khách sạn Hamilton nổi tiếng, nơi tập trung vô số quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm sôi động. Đáng chú ý, con ngõ này dài 42 m, đoạn đầu rộng 7 m, còn chỗ hẹp nhất ở đằng sau chỉ có 3,6 m, tạo thành hình một cái phễu khó thoát. Cơ quan Cảnh sát quốc gia thừa nhận đã có 11 cuộc gọi khẩn cấp cảnh báo về tình trạng quá tải tại khu phố Itaewon từ 4 tiếng trước khi thảm kịch xảy ra, song hầu như không đưa ra bất kỳ hành động ngăn ngừa kịp thời nào. 

Theo thông báo của Chính phủ Hàn Quốc, tính đến sáng 1/11, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch giẫm đạp tại Itaewon đã lên tới 156 người và 30 người bị thương nặng. Các nhà chức trách cho biết trong số những người thiệt mạng trong thảm họa đêm ngày 29/10 có 26 người nước ngoài đến từ Trung Quốc, Iran, Nga, Mỹ, Australia, Uzbekistan, Việt Nam, Kazakhstan, Áo, Sri Lanka, Thái Lan và Na Uy.

Ngày 30/10, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tuyên bố bắt đầu lễ quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân của vụ giẫm đạp. Ông Yoon Suk-yeol đã gửi lời chia buồn với các nạn nhân, hầu hết là thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20, cùng thân nhân của họ. Đay là một trong những thảm họa tồi tệ nhất của Hàn Quốc và những vụ giẫm đạp chết chóc nhất của thế giới trong nhiều thập kỷ qua. 

"Đây thực sự là một bi kịch. Một thảm kịch đáng lẽ không nên xảy ra đã diễn ra ngay giữa trung tâm Seoul vào đêm qua”, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh. 

Chú thích ảnh
:Người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ giẫm đạp. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Cảnh sát Seoul đang đối mặt với nhiều chỉ trích vì chỉ triển khai 137 cảnh sát để đảm bảo an ninh trật tự tại tại Itaewon trong khi có tới gần 100.000 người đổ về khu phố này tham gia lễ hội Halloween.

Trước đó, lực lượng cảnh sát cho biết các biện pháp an ninh chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn tội phạm và không có hướng dẫn cho những tình huống tụ tập đông người mà không có người tổ chức rõ ràng như lễ hội Halloween ở Itaewon.

Phản ứng về vấn đề này, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo ngày 2/11 khẳng định sẽ xử lý nghiêm những người có trách nhiệm liên quan. Giới chức Hàn Quốc đã yêu cầu lực lượng cảnh sát lập nhóm điều tra kỹ lưỡng năng lực ứng phó của các bên liên quan đến thảm họa này.  

Một điều tra đặc biệt đã tiến hành khám xét trụ sở Cơ quan Cảnh sát thành phố Seoul, Đồn Cảnh sát Yongsan và 6 văn phòng khác trong khuôn khổ cuộc điều tra về phản ứng thiếu hiệu quả của cảnh sát trong vụ giẫm đạp vừa qua ở khu phố Itaewon của thủ đô Seoul. Cảnh sát trưởng quận Yongsan đã tạm thời bị đình chỉ chức vụ và đối mặt với án kỷ luật treo.

Tại Ấn Độ, chiều tối 30/10, một vụ tai nạn đã xảy ra khi dây cáp của cầu treo qua sông Machchu thuộc thị trấn Morbi, bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ bị đứt. Khi đó, gần 500 người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, đang đứng trên cầu để hành lễ trong dịp Lễ hội tôn giáo Diwali. Số lượng người quá tải đã khiến một phần cấu trúc cầu bị gãy, khiến nhiều người rơi xuống sông Machchu bên dưới.

Chú thích ảnh
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm người mất tích trong vụ sập cầu. Ảnh: THX/TTXVN

Theo nhà chức trách, số người thiệt mạng trong vụ sập cầu là 135 người, trong số những nạn nhân thiệt mạng có 35 em dưới 14 tuổi. Lực lượng cứu hộ đã giải cứu được khoảng 170 người. Đến tối ngày 3/11, chính quyền bang Gujarat tuyên bố ngừng hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên sông Machchu sau khi xác minh thông tin của lực lượng chức năng về việc không còn ai mất tích cũng như không có cơ hội tìm được thêm bất kỳ thi thể nào.

Cầu cáp treo qua sông Machchu là một điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực. Cây cầu 150 năm tuổi này đã ngừng hoạt động 2 năm qua và vừa hoạt động trở lại vào ngày 26/10 sau 7 tháng sửa chữa. Cầy cầu này dài 233m và rộng 1,5m, được làm bằng vật liệu nhập từ Anh, khánh thành vào năm 1880 trong thời thuộc địa của Anh. Thủ tướng Narendra Modi đã thị sát bang Gujarat và thông báo hỗ trợ 2 lakh rupee (hơn 2.400 USD) cho thân nhân của mỗi người thiệt mạng và 50.000 rupee (hơn 600 USD) cho mỗi người bị thương trong vụ này.

Ngày 31/10, cảnh sát đã bắt giữ 9 người có liên hệ với Tập đoàn Oreva thầu quản lý cây cầu, với các cáo buộc ngộ sát. Một nghị sĩ địa phương chỉ trích việc Oreva bán vé không hạn chế, cho rằng việc quá đông người trên cầu đã dẫn tới thảm kịch. Trước đó, cây cầu do chính quyền địa phương phụ trách và họ chỉ hạn chế số người ra vào ở mức 20 người/lượt. Giới chức địa phương khẳng định Oreva đã không thông báo cho nhà chức trách về việc thông cầu vào tuần trước sau khi hoàn thành sửa chữa và cây cầu cũng chưa có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng. 

FED tăng lãi suất 0,75% lần thứ 4 liên tiếp

Ngày 3/11, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% , đưa mức lãi suất tại quốc gia này lên mức kỷ lục từ năm 2008 đến nay. Theo hãng BBC, đây là lần tăng 0,75% thứ tư liên tiếp do FED đưa ra và là lần tăng lãi suất thứ 6 kể từ tháng 3/2022. Ngân hàng này hy vọng việc tăng chi phí đi vay sẽ giúp hạ nhiệt nèn kinh tế quốc gia, cũng như là khống chế tỷ lệ lạm phát do giá cả tăng nhanh hiện nay. 

Lần tăng mới nhất đưa lãi suất cho vay chuẩn của ngân hàng lên 3,75% - 4%, mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2008. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia khác cũng tăng lãi suất để đối phó với vấn đề lạm phát trong nước, vốn được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm giá năng lượng cao hơn do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine.

Chú thích ảnh

Đây là lần tăng 0,75 điểm phần trăm thứ tư liên tiếp và là lần tăng lãi suất thứ sáu kể từ tháng 3/2022 của FED. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trước đó, FED đã có các lần điều chỉnh lãi suất của FED gồm: tăng 0,25% vào ngày 16/3 lên biên độ 0,25%-0,5%; tăng 0,5% vào ngày 4/5 lên mức 0,75%-1%; tăng 0,75% vào ngày 15/6 lên 1,5%-1,75%; tăng 0,75% vào ngày 27/7 lên 2,25%-2,5%; tăng 0,75% vào ngày 22/9 lên 3%-3,25%; và tăng 0,75% vào ngày 3/11 lên 3,75-4%.

Khi FED tăng biên độ lãi suất cho vay cơ bản, lãi suất đối với các khoản thế chấp, thẻ tín dụng và các khoản vay khác cũng tăng theo. Chi phí đi vay cao hơn có xu hướng kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế do các hộ gia đình và doanh nghiệp có ít tiền hơn để chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, các nhà phê bình lo ngại động thái này có thể khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới này trượt vào tình trạng suy thoái. Họ cho rằng kinh tế tăng trưởng chậm lại là cần thiết nếu lạm phát quay trở lại mức 2%.

Nhà kinh tế Willem Buiter, cựu thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh, hiện là cố vấn kinh tế độc lập, nhận xét: “Chúng tôi luôn hy vọng về một quá trình thiểu phát không gây đau đớn. Thật không may là điều đó hiếm xảy ra trong lịch sử. Đây sẽ không phải là một năm dễ dàng gì”.

Giá hàng tạp phẩm tăng 13% trong năm qua ở Mỹ. Lạm phát đạt 8,2% vào tháng trước. Con số này giảm so với tháng 6 khi nó tăng lên 9,1%, mức cao nhất kể từ năm 1981.

Giá năng lượng giảm đã giúp giảm bớt sức ép, nhưng chi phí hàng tạp hóa, hóa đơn y tế và nhiều mặt hàng khác vẫn đang tăng. Chi phí sinh hoạt hàng tháng của các hộ gia đình điển hình bị cộng thêm hàng trăm USD, trong khi tiền lương tăng không cân xứng. 

Trong khi đó, ông Powell cho biết khôi phục sự ổn định giá cả là chìa khóa để duy trì một nền kinh tế lành mạnh. Ông lưu ý rằng FED có thể tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi đạt được mục tiêu khống chế lạm phát.

Mặc dù vẫn chưa rõ mức lãi suất cuối cùng cần phải tăng là bao nhiêu, ông Powell cho biết nó có thể cao hơn mức mà các nhà hoạch định chính sách ngân hàng đã mong đợi trước đó.

Việc FED tăng lãi suất nhanh chóng cũng đã khiến doanh số bán nhà giảm mạnh và thúc đẩy các doanh nghiệp rút vốn đầu tư, hai yếu tố chủ chốt có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Mức lãi suất cao hơn của FED cũng làm tăng thêm bất ổn kinh tế ở nước ngoài, và tình trạng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nước Mỹ. Mặc dù vậy, lạm phát vẫn ở mức cao do thị trường việc làm mạnh mẽ của Mỹ giúp hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng; bên cạnh đó, những “cú sốc” về nguồn cung đang tiếp tục đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đánh giá Ukraine có thể giành được Kherson
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đánh giá Ukraine có thể giành được Kherson

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đánh giá rằng các lực lượng Ukraine có thể chiếm lại thành phố chiến lược Kherson ở miền nam và đây sẽ là một thất bại lớn đối với Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN