“Khủng hoảng chưa từng có tiền lệ”
Theo hãng thông tấn Yonhap, tính đến ngày 22/2, giới chức Hàn Quốc ghi nhận 433 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới gây ra (COVID-19). Quốc gia cũng xác nhận đã có hai ca tử vong vì COVID-19. Hơn một nửa số ca lây nhiễm là ở Daegu – thành phố lớn thứ 4 Hàn Quốc và các vùng thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang. Gần 40 người bị chẩn đoán nhiễm COVID-19 và 10.000 người khác nằm trong tình trạng cách ly được cho là có liên quan đến một giáo phái có tên Shincheonji (Tân Thiên Địa) ở Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh rằng các diễn biến của COVID-19 tại nước này đã bước vào giai đoạn "rất nghiêm trọng". Ngày 21/2, Hàn Quốc tuyến bố thành phố Daegu và huyện Cheongdo là khu vực cần đưa vào diện “chăm sóc đặc biệt". Thị trưởng thành phố Deagu miêu tả đây là một “cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ” và khuyến cáo 2,5 triệu người dân địa phương không ra ngoài, cũng như phải đeo khẩu trang ngay cả khi trong nhà nếu có thể.
Không chỉ riêng Hàn Quốc, tại một số quốc gia khác bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc cũng ghi nhận những trường hợp tử vong đầu tiên vì COVID-19. Ngày 21/2, hãng thông tấn ANSA của Italy đưa tin một bệnh nhân là nam giới, 78 tuổi ở thành phố Padua đã qua đời sau khi nhiễm chủng mới của virus Corona. Số trường hợp mới dương tính với COVID-19 đã lên đến 16 người, tập trung ở miền Bắc Italy.
Tại Iran, chỉ trong tuần qua, số người thiệt mạng do virus nCoV trong nước đã lên con số 4, trong tổng số 13 ca dương tính với nCoV được Bộ Y tế Iran xác nhận.
Một trong những “điểm nóng” lây lan COVID-19 bên ngoài Trung Quốc là ổ dịch trên các du thuyền sang trọng.
Sáng 20/2, giới chức y tế Nhật Bản đã xác nhận hai trường hợp đầu tiên trên du thuyền Diamond Princess do tử vong do COVID-19. Hai trường hợp là một cụ ông và cụ bà ở tuổi 80. Du thuyền Diamond Princess chở 3.711 người khởi hành từ cảng Yokohama hôm 20/1 và quay về cảng này ngày 3/2 vừa qua. Hai ngày sau đó, Nhật Bản quyết định cách ly tàu này cùng tất cả hành khách trên tàu trong 14 ngày. Tổng số ca nhiễm trên tàu Diamond Princess là 621 người.
Trong một diễn biến khác, một công dân Mỹ 83 tuổi từng đi trên du thuyền MS Westerdam đã phản ứng dương tính với nCoV ở Kuala Lumpur, Malaysia. Du thuyền MS Westerdam được Campuchia cho phép cập cảng vào ngày 14/12 sau khi bị nhiều nước từ chối. Kết quả này đã khiến nhiều chuyên gia y tế lo lắng về một bước ngoặt trong tình hình kiểm soát dịch bệnh, khi hơn nghìn du khách trên tàu Westerdam vào đất liền đã lên các chuyến bay trở về nước.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc đại lục thông báo xuất hiện dịch COVID-19, với tổng số ca được xác nhận là 1.076, thấp hơn nhiều so với con số khoảng 76.288 ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục. Tổng số ca tử vong tại Trung Quốc hiện là 2.441 người.
Trong một nỗ lực nhằm ứng phó dịch bệnh COVID-19, ngày 20/2 tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) đã diễn ra Hội nghị đặc biệt Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) và Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc được tổ chức theo đề xuất của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng, đề ra các biện pháp ứng phó hiệu quả đối với dịch bệnh này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận và đánh giá cao.
Ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ cảm ơn Việt Nam - Chủ tịch ASEAN và Philippines - nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, cùng nước chủ nhà Lào đã phối hợp tổ chức kịp thời hội nghị lần này. Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc về hợp tác ứng phó với dịch COVID-19.
“Chảo lửa” Idlib nóng lên
Trong một vài tuần trở lại đây, chảo lửa Idlib tại Tây Bắc Syria dường như bước vào giai đoạn mới. Lực lượng quân đội của chính phủ nước này, được Nga hậu thuẫn, đã đẩy mạnh chiến dịch giành lại các tuyến đường cao tốc chiến lược M4 và M5, nối liền thành phố Latakia và thủ đô Damascus tới Aleppo. Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 17/2 nêu rõ quân đội nước này sẽ tiếp tục giải phóng các tỉnh Aleppo và Idlib bất chấp phải đối mặt với nhiều trở ngại.
Chiến thắng của quân đội Chính phủ Syria là kết quả của chiến dịch không kích nhằm vào thành trì cuối cùng của lực lượng đối lập Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chiến dịch trên vi phạm thỏa thuận đã ký kết và tiến hành các cuộc tấn công đáp trả.
Trong một tuyên bố mới nhất vào ngày 19/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo việc quốc gia này triển khai chiến dịch quân sự tại tỉnh Idlib để ngăn chặn chiến dịch của lực lượng Chính phủ Syria, nhằm giành lại quyền kiểm soát tỉnh này "chỉ là vấn đề thời gian" do các cuộc đàm phán với Moskva không hiệu quả.
Sau đó một ngày, lực lượng phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã tiến hành cuộc tấn công nhằm vào các vị trí của quân đội Syria ở tỉnh Idlib. Theo kênh truyền hình Sky News Arabia, tại một số khu vực thuộc Idlib, lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đang tham chiến trên bộ, trong khi pháo binh nã đạn vào quân đội Syria để chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng xe tăng. Bộ Quốc phòng Nga đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ pháo binh cho phiến quân chống lại quân Chính phủ Syria đồng thời yêu cầu Ankara ngừng những hành động này.
Hiện Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tiếp tục đàm phán để đạt được những thỏa thuận nhất định tại vùng xuống thang Idlib, cụ thể như kế hoạch tuần tra chung hay sử dụng không phận. Ankara cũng khẳng định không tìm cách "đối đầu" với Nga từ những diễn biến căng thẳng đang gia tăng tại Idlib gần đây.
Theo các chuyên gia quân sự, mặc dù đưa ra cảnh báo song khả năng Thổ Nhĩ Kỳ tấn công toàn diện vào Idlib rất ít xảy ra. Với các dự án tăng cường hợp tác cả về quốc phòng lẫn kinh tế như hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400, dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ dẫn khí đốt tự nhiên với Nga, triển khai tấn công toàn diện Damascus và đối đầu với Moskva không phải là ý định của Ankara.