Hiểm họa từ đại dịch virus Corona
Dịch viêm phổi Vũ Hán do chủng virus Corona mới (2019-nCoV) gây ra bắt đầu từ cuối tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán (miền Trung Trung Quốc).
Một chợ đầu mối hải sản ở Vũ Hán được cho là nơi đầu tiên phát sinh dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới gây ra. Đại dịch bùng phát vào thời điểm Trung Quốc đang trải qua Tết Nguyên đán – kỳ nghỉ lớn nhất năm với nhu cầu đi lại gia tăng. Trung Quốc đã ra lệnh phong tỏa Vũ Hán và một số thành phố. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc thông báo kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán tới ngày 2/2 nhằm giảm các cuộc tụ tập đông người, phong tỏa dịch bệnh lây lan và bảo vệ tốt hơn sức khỏe và sự an toàn của người dân.
Theo nghiên cứu, loại virus Corona mới cùng chủng loại với virus gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) năm 2002-2003, vốn có nguồn gốc từ loài dơi. Virus này có thể lây truyền ngay trong thời gian ủ bệnh. Không chỉ vậy, theo cảnh báo từ Bộ Y tế bang New South Wales (Australia), virus Corona có thể lây từ người sang người trong vòng 15 phút nếu có tiếp xúc gần.
Theo thống kê mới nhất của Chính phủ Trung Quốc, công bố sáng 1/2, số người tử vong do nhiễm chủng virus nguy hiểm này là 259 trong tổng số 11.791 người nhiễm bệnh trên toàn Trung Quốc. Dịch bệnh đã lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành Trung Quốc cũng như 27 quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Các chuyên gia chức y tế thông báo hiện chưa có hãng dược phẩm nào có thể bào chế được vaccine phòng tránh virus Corona mới để có thể sử dụng trước giữa năm nay. Hiện có tổng số 243 bệnh nhân nhiễm virus Corona được xuất viện sau thời gian điều trị và phục hồi.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm tới 2% trong quý hiện tại và thực tế tình hình dịch bệnh lây lan đã khiến nhiều ngành ở quốc gia phải ngừng hoạt động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Mức giảm này tương đương với khoản tổn thất 62 tỷ USD.
Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC). Đây là lần thứ 5 WHO ban bố PHEIC sau khi các lần trước đó ban bố khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1), bệnh bại liệt, dịch virus Ebola ở Tây Phi và dịch virus Zika ở châu Mỹ.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tổ chức không khuyến khích những phản ứng thái quá như hạn chế thương mại và du lịch tới Trung Quốc. Theo ông, việc WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với dịch bệnh viêm phổi xuất phát từ mối quan tâm lớn nhất là "khả năng virus lan sang các nước có hệ thống y tế yếu hơn".
Ngay sau khi WHO công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu liên quan đến chủng virus Corona, các quốc gia đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn dịch bệnh lây lan. Một số nước như Nga, Mông Cổ, Triều Tiên... quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Trong khi đó, các quốc gia Trung Á cũng thông báo ngưng miễn thị thực 72 giờ đối với hành khách quá cảnh từ Trung Quốc. Italy và Mỹ đồng loạt tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng đối với virus 2019-nCoV, đồng thời khẳng định bắt đầu từ ngày 2/2 sẽ không cho phép các công dân nước ngoài trước đó từng đến Trung Quốc nhập cảnh.
Anh đối mặt với tương lai mơ hồ “hậu” Brexit
Đúng 23h ngày 31/1/2020 (giờ địa phương), Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit. Đây là khoảnh khắc quốc gia này chấm dứt 47 năm là thành viên của liên minh kinh tế lớn nhất thế giới.
Một giờ trước thời điểm Brexit, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phát biểu trên truyền hình kêu gọi người dân hãy hướng đến tương lai, không nhìn lại quá khứ, khẳng định “đây là một khoảnh khắc của đổi mới và thay đổi đất nước thực sự”.
Theo các nhà phân tích, cột mốc ngày 31/1 mang tính biểu tượng chính trị nhiều hơn là tác động thực tế bởi hai bên EU và Vương quốc Anh vẫn còn một khoảng thời gian quá độ hậu Brexit. Trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng, việc giao thương, đi lại cũng như quyền lợi của các công dân hai bên sinh sống trên lãnh thổ của nhau không hề thay đổi. Xét về mặt chính trị, Anh sẽ mất quyền đại diện và quyền biểu quyết trong các tổ chức của khối, bao gồm cả việc không có thành viên người Anh tại Nghị viện châu Âu.
Đêm cùng ngày, không ít người dân Anh đã đổ xuống phố và các tụ điểm công cộng ở quận Wesminster của Anh - nơi có cơ quan lập pháp - chào mừng sự kiện. Tuy nhiên, đối với các cử tri Anh đã bỏ phiếu ở lại với EU thì đây vẫn là sự kiện đầy tiếc nuối khi dự cảm một tương lai đầy bất định và thách thức với quốc gia.
Trước đó, Thủ tướng Johnson đã cam kết sẽ đưa nước Anh rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan của EU để nước này có thể đàm phán được các thỏa thuận thương mại khác trên toàn thế giới. Nhưng chính xác quá trình này sẽ diễn ra như thế nào và việc các công ty phụ thuộc nhiều vào hoạt động kinh doanh với EU sẽ bị ảnh hưởng ra sao vẫn chưa rõ ràng.