Thế giới tuần qua: 200 triệu ca COVID-19 trên toàn cầu; Hội nghị AMM-54 thành công tốt đẹp

Trong tuần qua, thế giới ghi nhận trên 200 triệu ca mắc COVID-19 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) là những sự kiện được truyền thông quan tâm.

Toàn cầu vượt 200 triệu ca mắc COVID-19

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang trên đường phố Tokyo (Nhật Bản) ngày 2/8. Ảnh: AP

Ngày 4/8, toàn thế giới ghi nhận trên 200 triệu ca mắc COVID-19. Thời điểm này, biến thể Delta tiếp tục lây lan và đe dọa những khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 thấp, hệ thống y tế quá tải.

Đại học Johns Hopkins (Mỹ) ngày 4/8 tuyên bố trên toàn thế giới đã có hơn 200 triệu trường hợp mắc COVID-19. Như vậy có tới 2,6% dân số thế giới đã mắc COVID-19 kể từ khi dịch bệnh này bùng phát. Điều đáng chú ý là sau hơn 1 năm, thế giới ghi nhận cột mốc 100 triệu ca mắc COVID-19 nhưng chỉ trong 6 tháng sau đó trên toàn thế giới có thêm 100 triệu ca mắc. Dịch COVID-19 cũng khiến gần 4,4 triệu người thiệt mạng trên toàn cầu.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết tình trạng gia tăng toàn cầu các ca mắc mới đang cho thấy rõ rệt khoảng cách ngày càng lớn về tỷ lệ tiêm vaccine giữa các nước giàu và nghèo. Các ca bệnh đang tăng ở khoảng một phần ba các quốc gia trên thế giới, với nhiều trong số đó chưa tiêm liều đầu tiên cho một nửa dân số của họ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/8 đã kêu gọi tạm hoãn tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba cho đến khi ít nhất 10% dân số ở mọi quốc gia được tiêm chủng. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chúng ta cần một sự đảo ngược khẩn cấp, từ việc phần lớn vaccine được chuyển đến các nước thu nhập cao chuyển thành phần lớn vaccine đi đến những nước thu nhập thấp”.

Chú thích ảnh
Người dân chờ đợi nạp bình oxy tại Jakarta, Indonesia ngày 5/7. Ảnh: AP

Các quốc gia ở Đông Nam Á cũng đang ghi nhận số trường hợp mắc mới tăng. Đông Nam Á có tổng dân số bằn 8% dân số toàn cầu nhưng khu vực này đang ghi nhận gần 15% tổng các ca mắc mới toàn thế giới mỗi ngày.

Indonesia trong tháng 7 chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt. Ngày 4/8, nước này thông báo tổng số ca tử vong do COVID-19 từ đầu dịch đã vượt 100.000 trường hợp. Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin ngày 2/8 cho biết quốc gia Đông Nam Á này đặt mục tiêu dần mở cửa trở lại nền kinh tế vào tháng 9. Ông nói rằng đỉnh dịch đã qua với số ca mắc mới mỗi ngày đang giảm.

Ngày 6/8, Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 21.379 trường hợp. Theo Trung tâm Quản lý Tình huống COVID-19 Thái Lan (CCSA), số ca mắc mới trong một ngày của Thái Lan đã ở mức trên 20.000 trường hợp ba ngày liên tiếp.

Trong khi đó, Ấn Độ, vốn trải qua làn sóng dịch COVID-19 nghiêm trọng trong tháng 4 và 5 đang ghi nhận số ca mắc mới tăng trở lại gây lo ngại về làn sóng dịch thứ ba.

Trung Quốc vào ngày 6/8 ghi nhận số ca mắc với COVID-19 theo ngày cao nhất kể từ khi dịch tái bùng phát vào cuối tháng 7 với 124 trường hợp. Nhiều biện pháp ngăn ngừa dịch quyết liệt đã được áp dụng, thành phố Vũ Hán thậm chí tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ 12 triệu người dân.

Những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp tại Mỹ như Florida và Louisiana đang chứng kiến số lượng người mắc COVID-19 nhập viện kỷ lục, mặc dù Mỹ đã tiêm tối thiểu 1 liều vaccine cho 70% người dân trưởng thành. Người đứng đầu một bệnh viện ở Louisiana đã cảnh báo về "những ngày đen tối nhất".

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54)

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM 54) theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) diễn ra theo hình thức trực tuyến trong 5 ngày từ 2-6/8 đã thành công tốt đẹp. Hội nghị gồm hơn 20 hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

Trong thông cáo chung được công bố tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 54, các Ngoại trưởng ASEAN lưu ý sự cần thiết phải tăng cường sản xuất và phân phối vaccine trong khu vực. Các Ngoại trưởng cũng hoan nghênh sự đóng góp liên tục của các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác bên ngoài cho Quỹ ứng phó ASEAN về COVID-19, hiện đã cam kết đóng góp lên tới 20,8 triệu USD.

Ngoài ra, thông cáo chung của hội nghị cũng đề cập đến tình hình Biển Đông. Hội nghị tiếp tục khẳng định nhu cầu theo đuổi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên tranh chấp và tất cả các quốc gia khác phi quân sự hóa và tự kiềm chế tiến hành mọi hoạt động, trong đó có cả những hoạt động được đề cập trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002, nhằm tránh làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng tại Biển Đông.

Chiều 5/8, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết các ý kiến, đề xuất của Việt Nam tại Hội nghị lần này nhận được sự ủng hộ của các nước bởi sự phù hợp, chủ động, thiết thực. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: Các nước cũng đánh giá Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản, góp phần khai thác tốt tiềm năng hợp tác, tận dụng cơ hội và vượt qua nhiều thách thức, nhất là phối hợp ứng phó COVID-19, tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác.

Hà Linh/Báo Tin tức
COVID-19 tới 6 giờ ngày 7/8: Mỹ lại trên 100.000 ca mắc mới/ngày; Trung Quốc dịch bệnh leo thang mạnh
COVID-19 tới 6 giờ ngày 7/8: Mỹ lại trên 100.000 ca mắc mới/ngày; Trung Quốc dịch bệnh leo thang mạnh

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 662.241 trường hợp mắc COVID-19 và 9.620 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 200,8 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,28 triệu người không qua khỏi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN