Nhật Bản kiên định chiến thuật ‘phong tỏa mềm’ chặn COVID-19 lây lan

Trái với lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại một số quốc gia để chống dịch COVID-19, chính phủ Nhật Bản chủ yếu áp dụng "phong tỏa mềm”, đòi hỏi sự tự giác tuân thủ của người dân.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang khi ra đường tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 6/8. Ảnh: Reuters

Với số ca mắc mới trên toàn quốc trong tuần này lần đầu tiên lên đến 15.000 ca hàng ngày, dư luận đang kỳ vọng rằng Thủ tướng Yoshihide Suga có thể ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, mặc dù hôm 5/8 ông khẳng định hiện chưa cân nhắc về điều này. 

Một số nhà lập pháp cũng đã đề xuất những thay đổi pháp lý nhằm cho phép thực thi các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nếu Nhật Bản đưa ra bất kỳ động thái nào liên quan đến phong tỏa theo kiểu phương Tây, quyết định này đều sẽ gây tranh cãi và tốn thời gian.
Theo hãng tin Reuters, dưới đây là những điểm nổi bật về chính sách kiểm soát dịch COVID-19 của Nhật Bản:

1. “Phong tỏa mềm”

Dưới tình trạng khẩn cấp toàn quốc hồi tháng 4 – 5/2020, Tokyo đã yêu cầu đóng cửa hàng loạt cơ sở, trong đó có phòng tập, rạp phim, quán bar, cửa hàng bán đồ không thiết yếu. Trường học cũng ngừng hoạt động trong thời gian đầu đại dịch song đã được mở lại sau đó. 

Trong khi một điều luật đi vào hiệu lực tháng 3/2020 cho phép Thủ tướng Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp nếu dịch bệnh gây mối nguy hại đối với tính mạng người dân, quốc gia châu Á này nhìn chung đã tránh áp dụng các bước đi mạnh mẽ hơn. 

Chính phủ vừa phải tìm cách kiểm soát virus SARS-CoV-2 lây lan vừa giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế, trong khi vẫn bị ký ức vi phạm quyền công dân hồi Thế chiến thứ hai ám ảnh mạnh mẽ. 
Sự tuân thủ của cộng đồng ban đầu rất cao, nhưng mọi người đang ngày càng mệt mỏi với các biện pháp giới hạn. Các nhà phê bình nói rằng việc tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo giữa thời dịch bệnh đã gửi đi một thông điệp về nhu cầu phải ở yên trong nhà đối với người dân nước này. 

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tokyo ngày 2/8. Ảnh: AFP/TTXVN

2. Thay đổi linh hoạt

Điều luật tháng 3/2020 cho phép chính quyền Tokyo yêu cầu người dân ở nhà, đóng cửa các điểm công cộng, đề nghị doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng như hủy bỏ những sự kiện tập thể. 
Mặc dù ban đầu luật không bắt buộc phạt tiền hay các hình phạt khác đối với người không tuân thủ, nhưng bản sửa đổi vào tháng 2/2021 quy định người vi phạm có thể phải nộp 300.000 yen (hơn 60 triệu đồng).

Bản sửa đổi này cũng tạo ra một danh mục mới gồm các biện pháp hạn chế "bán khẩn cấp" nhẹ hơn, với mức phạt thấp hơn nếu không tuân thủ. Hiện nay, lệnh giới hạn tập trung vào yêu cầu các hàng ăn đóng cửa sớm và không bán rượu, song không phải toàn bộ quán bar và nhà hàng đều đang chấp hành. 

Chính phủ đã nhiều lần áp đặt và sau đó dỡ bỏ lệnh hạn chế dựa trên sự thay đổi của tình hình lây nhiễm. Cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã chấm dứt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc đầu tiên vào cuối tháng 5/2020 sau 7 tuần áp dụng với tuyên bố "mô hình Nhật Bản" đã thành công.

Các đợt bùng phát sau đó đã thúc đẩy những biện pháp bổ sung cục bộ hơn. Thủ đô Tokyo đang ở trong tình trạng khẩn cấp thứ tư. Hôm 5/8, ông Suga cho biết những tỉnh thành còn lại sẽ phải tuân theo lộ trình "bán khẩn cấp".

3. Biện pháp mạnh mẽ hơn?

Trước tình hình lây nhiễm bùng phát, một số nghị sĩ đảng cầm quyền và cố vấn y tế hàng đầu chính phủ đã đề xuất về nhu cầu đưa ra những thay đổi pháp lý cho phép thực thi “phong tỏa cứng”.

Thủ tướng Suga từng tuyên bố cách phong tỏa thắt chặt kiểu phương Tây không phù hợp với Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 cho toàn bộ dân chúng chính là chìa khóa tháo dỡ tình trạng hiện nay. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Indonesia tặng tiền mặt, nhà và bò cho vận động viên HCV Olympic Tokyo
Indonesia tặng tiền mặt, nhà và bò cho vận động viên HCV Olympic Tokyo

Indonesia đã tặng hàng loạt phần thưởng ấn tượng cho hai vận động viên giành huy chương vàng (HCV) Olympic nội dung đôi nữ cầu lông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN