Thế giới ghi nhận tổng cộng trên 171,1 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 31/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 171.104.397 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.558.227 ca tử vong. Hiện có 153.244.361 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn 14.294.090 bệnh nhân đang được điều trị.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại một điểm tiêm chủng lưu động ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 với 34.043.110 ca, trong đó có 609.544 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 28.047.534 ca và 329.127 ca tử vong. Đáng chú ý, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này ghi nhận 152.734 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức thấp nhất trong 50 ngày trở lại đây. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính tiếp tục ở mức dưới 10% trong ngày thứ 7 liên tiếp. Đứng thứ ba là Brazil khi nước này ghi nhận 16.515.120 ca mắc và 462.092 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc diễn biến phức tạp khi chứng kiến sự tái bùng phát. Thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc) đang phải nỗ lực ngăn chặn biến thể virus SAR-CoV-2 từ Ấn Độ. Đợt tái bùng phát dịch COVID-19 lần này tại Quảng Châu, nơi ghi nhận 90% lượng khách quốc tế đến Trung Quốc mỗi ngày, bắt đầu vào ngày 21/5, đến nay đã lan rộng ra ngoài tỉnh đến các thành phố lân cận là Phật Sơn và Mậu Minh. Ngày 30/5, cơ quan y tế tỉnh  ghi nhận 21 ca lây nhiễm tại địa phương không có triệu chứng. Kết quả giải mã trình tự gene cho thấy toàn bộ các bệnh nhân đều nhiễm biến thể virus ở Ấn Độ. Theo thông báo mới nhất của cơ quan y tế Quảng Châu, bắt đầu từ 22 tối 31/5, hành khách rời Quảng Châu phải xuất trình kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ. Những nơi có người nhiễm bệnh đã được yêu cầu dừng tất cả các hoạt động không cần thiết.

Tại Đông Nam Á, cùng ngày, Campuchia ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 30.000 người, cụ thể là 30.094 ca mắc, sau khi Bộ Y tế nước này công bố 690 ca nhiễm mới. Tổng số người tử vong tăng lên 214 ca, sau khi có thêm 5 ca ghi nhận ngày 31/5. Hiện tình hình lây nhiễm dịch trong các trại giam tại Campuchia tiếp tục gây lo ngại khi tỉnh Kandal thông báo số phạm nhân và quản giáo bị nhiễm bệnh trong trại giam tỉnh này đã lên tới 369 ca kể từ khi cơ quan chức năng phát hiện những ca lây nhiễm đầu tiên tại đây (103 ca) vào ngày 25/5.

Tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Trại giam thuộc Bộ Nội vụ Campuchia, Tướng Chhem Savuth cho biết cơ quan chức năng đã có biện pháp cách ly và ứng phó để kiểm soát và không để dịch lây lan rộng. Hiện chưa có thông tin về nguồn lây nhiễm dịch trong trại giam tại tỉnh Kandal.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Liên quan chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Campuchia hiện nay, phát ngôn Bộ Y tế Campuchia khẳng định cho biết tỷ lệ tiêm chủng hiện đã đạt 25% trong tổng số mục tiêu 10 triệu người và kế hoạch này có thể được hoàn tất vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Còn tại Thái Lan, thủ đô Bangkok sẽ cho phép mở cửa trở lại 5 loại hình kinh doanh từ ngày 1/6, trong bối cảnh địa phương này vẫn dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới COVID-19. Theo giới chức Thái Lan, nước này đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ cao kỷ lục, với 5.485 ca, nâng tổng số ca mắc lên 159.792. Cả nước cũng ghi nhận thêm 19 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh này lên 1.031. Trong đó, thủ đô Bangkok tiếp tục dẫn đầu danh sách các địa phương có ca nhiễm mới, với 1.356 ca, tiếp theo là Phetchaburi (555 ca), Samut Prakan (358 ca), Saraburi (327 ca) và Pathum Thani (211 ca).

Tại Lào, sau hơn 40 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên của làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, ngày 31/5 đã ghi nhận ngày đầu tiên không có ca nhiễm cộng đồng nào. Bộ Y tế Lào cho biết chỉ có duy nhất 1 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua và là ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đây có thể được coi là thành công ban đầu của chính phủ và người dân Lào trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 sau 40 ngày áp dụng lệnh phong tỏa.

Tính đến ngày 29/5, tại Lào đã có 872.070 người được tiêm vaccine, trong đó 214.115 người đã tiêm đủ 2 mũi. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.912 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.543 người và 3 ca tử vong.

Liên quan đến chương trình tiêm vaccine, Ủy ban Liên bộ chống COVID-19 (MTF) của Singapore cho biết với việc có thêm các nguồn cung vaccine trong thời gian tới, từ ngày 1/6, Singapore sẽ triển khai việc đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 400.000 học sinh, sinh viên. Cụ thể, nhóm học sinh ở khối lớp có kỳ thi chuyển cấp (như kỳ thi GCE N Level, O Level, A Level) và học sinh các cấp dự bị đại học (hoặc tương đương) sẽ được tiêm vaccine trước. Sau đó, trong khoảng 2 tuần tiếp theo, các nhóm học sinh còn lại và các sinh viên đại học sẽ được đăng ký tiêm. Dự kiến, việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho các đối tượng học sinh, sinh viên nói trên sẽ hoàn tất vào tháng 8 tới. 

Nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong vòng 3 tháng tới, chiều 31/5, Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo triển khai chương trình "Phần thưởng vaccine", theo đó công chức và viên chức nhà nước được nghỉ phép 1 ngày sau mỗi mũi tiêm song vẫn được hưởng lương. Quyết định này được thực hiện từ ngày 1/6-31/8. Những người đã tiêm phòng trước và trong ngày 31/5 sẽ được nghỉ bổ sung trước cuối tháng 3/2022. 

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại một điểm tiêm chủng ở Chiba, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer (Mỹ) cho nhóm trẻ từ 12-15 tuổi. Như vậy, đây là loại vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng với trẻ em ở Nhật Bản.  Tuy nhiên, nhóm trẻ từ 12-15 sẽ không được tiêm ngay vì Nhật Bản vẫn đang trong quá trình tiêm cho các nhân viên y tế và những người trên 65 tuổi.

Tương tự,  Pháp đã quyết định mở rộng đối tượng được tiêm phòng COVID-19 tại quốc gia này, theo đó tất cả người trưởng thành đều được tiêm vaccine. Như vậy, Pháp đã có động thái này sớm hơn Đức một tuần, trong bối cảnh châu Âu đang chạy đua tiêm vaccine để tránh làn sóng lây nhiễm mới do xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Thanh Hương (TTXVN)
Bệnh nhân COVID-19 Ấn Độ tử vong vì cùng lúc nhiễm cả 3 loại 'nấm màu'
Bệnh nhân COVID-19 Ấn Độ tử vong vì cùng lúc nhiễm cả 3 loại 'nấm màu'

Một người đàn ông Ấn Độ đã khỏi COVID-19 nhưng lại nhiễm nấm và tử vong. Đây là một trong những bệnh nhân đầu tiên nhiễm cả 3 loại "nấm màu" nguy hiểm: nấm vàng, nấm đen và nấm trắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN