Số bệnh nhân phục hồi là 27.195.941 người, trong khi số người đang trong tình trạng nghiêm trọng và nguy kịch là 67.935 người.
Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 7.727.681 ca nhiễm và 215.921 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 6.764.710 ca nhiễm và 104.651 ca tử vong và Brazil với 4.970.953 ca nhiễm và 147.571 ca tử vong.
Theo trang worldometers.info, châu Á hiện có tổng cộng 11.330.747 ca nhiễm và 205.558 ca tử vong do COVID-19.
Tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này đã ghi nhận thêm 4.538 ca mắc COVID-19 và 98 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc bệnh và tử vong lên lần lượt là 315.714 ca và 11.472 ca. Hiện Indonesia là quốc gia có số ca tử vong cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Phó Chủ tịch Hạ viện (DPR) Indonesia, ông Azis Syamsuddin, xác nhận đã có 18 hạ nghị sĩ nước này đã mắc COVID-19.
Tại Malaysia, Bộ Y tế cho biết nước này đã ghi nhận thêm 489 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 13.993 ca. Số ca tử vong vẫn giữ nguyên ở mức 141 ca. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob thông báo sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế tại 3 huyện ở bang Sabah, 1 huyện ở bang Selangor sau khi những khu vực này ban bố cảnh báo đỏ để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Cũng trong 24 giờ qua, Philippines đã ghi nhận thêm 2.825 ca mắc COVID-19 và 60 trường hợp tử vong. Hiện tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lần lượt là 329.637 và 5.925. Philippines hiện vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tại Thái Lan, Bộ Nội vụ đã ra lệnh siết chặt biên giới an ninh để khống chế dịch. Thái Lan hiện có tổng cộng 3.615 ca nhiễm và 59 ca tử vong do COVID-19.
Tại Iran, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất ở Trung Đông, Bộ Y tế cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã có thêm 239 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 27.658 ca. Số ca nhiễm tại Iran đã tăng thêm 4.019 ca lên 483.844 ca.
Cùng ngày, Hàn Quốc đã ghi nhận số ca mắc mới tăng trở lại mức trên 100 ca, sau khi ghi nhận mức tăng dưới 100 ca trong 6 ngày liên tiếp. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này có thêm 114 ca mắc, trong đó 94 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 24.353 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 3 ca lên 425 ca. Giới chức y tế cảnh báo số ca mắc tại Hàn Quốc có nguy cơ gia tăng sau kỳ nghỉ lễ Trung Thu (Chuseok) kéo dài từ ngày 30/9 đến ngày 4/10 vừa qua.
Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh đang ngày càng trở nên phức tạp khi nhiều quốc gia có số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày, như Ukraine, Séc, Bulgaria, Ba Lan, Hà Lan. Theo trang worldometers.info, châu Âu hiện có tổng cộng 5.561.111 ca nhiễm và 227.299 ca tử vong do COVID-19.
Trong bối cảnh số ca nhiễm có xu hướng tăng trở lại, Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh mới, theo đó bắt buộc người dân phải luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, ngoại trừ một số trường hợp như đang chơi hoặc thi đấu thể thao. Sắc lệnh mới, có hiệu lực từ ngày 8/10 và kéo dài trong 30 ngày. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã đề xuất lên Quốc hội để tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp cho đến cuối tháng 1/2021.
Tại Bỉ, nhà chức trách có kế hoạch siết chặt các biện pháp phòng dịch vào cuối tuần này, theo đó cấm mọi hoạt động tụ tập có trên 4 người tham gia. Bỉ hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên tổng số dân cao nhất trên thế giới, với hơn 10.000 ca tử vong trên 11 triệu dân, và số ca mắc COVID-19 trung bình mỗi ngày hiện ở mức trên 2.300 ca.
Đáng chú ý, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi ngày 7/10 thông báo ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi trực tiếp tham dự hai ngày họp đầu tiên của Hội đồng chấp hành của cơ quan này. Ông Grandi cho biết ông sẽ tiếp tục tham gia hội nghị này từ nhà vì phải cách ly sau khi có xét nghiệm mắc COVID-19.
Theo báo cáo mới của ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) và hãng kiểm toán PwC, tổng giá trị tài sản của giới tỷ phú thế giới đã tăng lên mức cao kỷ lục trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhờ cổ phiếu tăng giá và lợi nhuận trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc y tế.
Báo cáo thống kê tài sản của hơn 2.000 tỷ phú, chiếm khoảng 98% tổng giá trị tài sản của các tỷ phú thế giới, theo đó tổng giá trị tài sản của số tỷ phủ này đã tăng hơn 25% trong những tháng đầu bùng phát đại dịch COVID-19, đến tháng 7 vừa qua đạt 10.200 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục 8.900 tỷ USD ghi nhận cuối năm 2019.
Trong thời gian từ ngày 7/4 đến 31/7 năm nay, tài sản của các tỷ phú thuộc các ngành công nghiệp được UBS/PwC thống kê đã tăng ở mức hai con số, đặc biệt là các tỷ phú thuộc các lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe... có tổng giá trị tài sản tăng từ 36-44%.
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy xu hướng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ, chăm sóc sức khỏe cũng như những người có tư duy đổi mới, đưa những tỷ phú của những lĩnh vực này vượt lên trên những tỷ phú trong các lĩnh vực khác.