Thế giới ghi nhận 106,4 triệu ca mắc, 2,3 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 21h30' ngày 7/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 106.427.511 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 2.322.059 ca tử vong. 78.085.060 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi còn 25.875.069 bệnh nhân vẫn đang được điều trị.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm phòng COVID-19 bên ngoài sân vận động Yankee ở New York, Mỹ, ngày 5/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ vẫn là nước chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh với 27.521.421 ca nhiễm và 473.543 ca tử vong, Tiếp đến là Ấn Độ với 10.827.314 ca nhiễm và 155.032 ca tử vong; đứng thứ 3 là Brazil với 9.497.795 ca nhiễm và 231.069 ca tử vong.

Tại châu Á, Bộ Y tế Thái Lan đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 khi các gia đình đoàn tụ để đón Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo Giám đốc bộ phận kiểm soát dịch bệnh khẩn cấp và nguy cơ đối với sức khỏe thuộc Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan Chawetsan, các gia đình nên ăn mừng một cách an toàn bằng cách sử dụng các cuộc gọi video để giảm gặp mặt trực tiếp, đặc biệt là với những người cao tuổi nằm trong nhóm có nguy cơ. Mọi người nên đeo khẩu trang khi nói chuyện, hoặc sử dụng các ứng dụng trò chuyện có tính năng gọi video để giảm tiếp xúc trực tiếp. Bên cạnh đó, người dân sẽ vẫn phải tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cho đến khi có được khả năng miễn dịch cộng đồng. Việc xét nghiệm chủ động sẽ tiếp tục mặc dù số lượng các ca mắc COVID-19 đã bắt đầu giảm.

Trong khi đó, Malaysia đã quyết định cho phép tổ chức các bữa tiệc đoàn viên trong dịp Tết Nguyên đán. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp của NSC do Bộ trưởng Cao cấp phụ trách vấn đề An ninh kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob chủ trì. Cụ thể, các bữa tiệc đoàn viên này chỉ được tổ chức vào ngày 11/2 với tối đa 15 người, trong đó các thành viên phải đảm bảo điều kiện sống cách nhau trong phạm vi 10 km và không được đi lại liên quận hoặc liên bang. Cùng với đó, các hoạt động tôn giáo tại các ngôi chùa và địa điểm thờ cúng cũng được phép tổ chức vào ngày các 11, 12 và 19/2 với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt quy định hoạt động tiêu chuẩn (SOP). Quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 3.731 ca mắc mới và 15 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 242.452 người trong đó có 872 ca tử vong. 

Tại Indonesia, Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) của nước này vừa phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển để sử dụng cho người cao tuổi. Động thái này cho thấy có khả năng Indonesia đang thay đổi chiến lược tiêm chủng vốn trước đó dành ưu tiên cho lực lượng lao động, một phần do dữ liệu hạn chế về tính an toàn của vaccine đối với người cao tuổi. Trong bức thư gửi cho hãng dược nhà nước Bio Farma – đối tác của Sinovac tại Indonesia, BPOM cho biết việc cấp giấy phép sử dụng vaccine CoronaVac của Sinovac cho người cao tuổi "có tính đến tình huống khẩn cấp của đại dịch COVID-19 và thông tin hạn chế về lợi ích cũng như độ an toàn của vaccine".

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong chương trình tập huấn tiêm chủng tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 2/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Còn Ấn Độ thông báo đang phát triển thêm 7 loại vaccine COVID-19 do nước này sản xuất, trong đó có 3 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm và 2 loại đang trong giai đoạn tiền lâm sàng. Hiện Ấn Độ đang sử dụng vaccine Covishield của AstraZeneca (Anh) và Covaxin (Ấn Độ). Hai vaccine này đang được sử dụng trong tình huống khẩn cấp, tức được giám sát đầy đủ và có kiểm soát. Quyết định về việc đưa vào sử dụng đại trà sẽ được đưa ra theo yêu cầu của tình hình.

Trong giai đoạn đầu của chương trình tiêm chủng toàn quốc, bắt đầu từ ngày 16/1 vừa qua, hai vaccine này được tiêm cho các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu. Việc tiêm phòng COVID-9 cho những người trên 50 tuổi sẽ bắt đầu vào tháng 3 tới.

Tại châu Âu, Anh thông báo sẽ không áp dụng "hộ chiếu vaccine" phòng COVID-19, song người dân sẽ có thể xin xác nhận đã tiêm phòng từ bác sĩ trong trường hợp họ cần đi tới các nước khác. Theo Bộ trưởng phụ trách triển khai công tác tiêm chủng vaccine của Anh Nadhim Zahawi nêu rõ: "Chúng tôi chắc chắn không muốn áp dụng hộ chiếu vaccine như là một phần trong chương trình tiêm chủng".

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho rằng, nước này không nên nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, sau khi lệnh phong tỏa toàn phần sắp hết hạn vào ngày 14/2 tới.

Ông Altmaier cảnh báo:  “Số lượng ca nhiễm mới hiện nay hầu như không thấp hơn so với cuối tháng 10/2020 khi bắt đầu lệnh phong tỏa có giới hạn. Số ca nhiễm mới chỉ giảm mạnh trong hai tuần nhưng tỷ lệ tử vong vẫn rất cao".

Về triển vọng mở cửa trở lại đối với ngành dịch vụ ăn uống cho Lễ Phục sinh, Bộ trưởng Altmaier nói rằng, điều đó rất có thể nhưng khi nước này phá vỡ được chuỗi lây nhiễm vào đầu mùa Xuân, muộn nhất là Lễ Phục sinh (đầu tháng 4).

Còn Hungary và Thụy Điển thông báo đã nhận được lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp bào chế. 

Cụ thể, lô hàng đầu tiên được chuyển đến Hungary bằng đường bộ vào sáng 6/2 sẽ đủ để tiêm phòng cho 20.000 người. Dự kiến, Hungary sẽ tiêm vaccine cho những người đang mắc bệnh mãn tính và những người dưới 60 tuổi. Chính phủ Hungary đã đặt hàng tổng cộng 6.540.000 liều vaccine của AstraZeneca, đủ để tiêm phòng cho 3.270.000 người. Đến nay, nhà chức trách nước này đã cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca, vaccine Sputnik V (Nga), vaccine của Sinopharm (Trung Quốc), ngoài các vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech và Moderna (Mỹ) được mua thông qua Liên minh châu Âu (EU).

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 do Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, lô vaccine đầu tiên của hãng AstraZeneca đã đến Thụy Điển sáng 6/2, sớm hơn 2 ngày so với dự kiến. Tuy nhiên, nguồn tin không cho biết về số liều vaccine trong lô đầu tiên này, nước sản xuất và phương tiện vận chuyển vaccine.  Lô vaccine trên được vận chuyển đến Thụy Điển trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị cho giai đoạn 2 chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Những đối tượng được ưu tiên tiêm đầu tiên là những người cao tuổi nhất, sau đó đến những người trên 65 tuổi. Bên cạnh đó, những người trẻ tuổi hơn ở trong điều kiện y tế nhất định như những người cần lọc máu hoặc cần phẫu thuật cấy ghép, cũng có thể được tiêm vaccine của AstraZeneca.

Tại khu vực Caribe, Cuba áp dụng các biện pháp hạn chế đối với người  nhập cảnh và các chuyến bay thương mại vào nước này.

Theo đó, người nhập cảnh vào nước này phải cách ly tại các cơ sở, trung tâm cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2. Theo Chính phủ Cuba, các trung tâm cách ly này hiện đã có tại khắp tỉnh thành của nước này. Bên cạnh đó,  Cuba cũng giảm tần suất các chuyến bay từ Mỹ, Mexico, Panama, Bahamas, CH Dominica, Jamaica và Colombia, đồng thời tạm dừng các chuyến bay từ Haiti. Trong khi đó việc tăng trở lại tần suất các chuyến bay từ Nicaragua, Guyana, Trinidad và Tobago và Suriname sẽ bị hoãn lại. Hoạt động tại sân bay quốc tế Jose Marti ở thủ đô La Habana, sân bay lớn nhất đảo quốc Caribe này, cũng được thu hẹp, chỉ tập trung tại nhà ga số 3.

Minh Châu (TTXVN)
COVID-19 tới 6h sáng 7/2: Thế giới trên 10.000 ca tử vong mới; Mỹ đã tiêm 39 triệu liều vaccine
COVID-19 tới 6h sáng 7/2: Thế giới trên 10.000 ca tử vong mới; Mỹ đã tiêm 39 triệu liều vaccine

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 399.831 trường hợp mắc COVID-19 và 10.246 ca tử vong. Nước Mỹ đang đẩy mạnh chương trình chủng ngừa, với 39 triệu liều vaccine COVID đã được tiêm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN