Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 7/2 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 106.305.341 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.317.994 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 78.039.171 người, 25.942.616 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 104.627 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (95.401 ca), Brazil (48.707 ca) và Pháp (20.586 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.388 ca), tiếp theo là Brazil (885 ca) và Anh (828 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện đã vượt 27,5 triệu người, trong đó có 473.186 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 10.827.170 ca nhiễm, bao gồm 155.028 ca tử vong. Trong khi đó, số ca tử vong tại Brazil là 231.012 trong tổng số 9.497.795 ca nhiễm.
Mỹ: Trên 39 triệu liều vaccine COVID đã được tiêm
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho biết, trên 39 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm tại nước này trong tổng số trên 59,3 triệu liều đã được phân phối.
Trong một diễn biến khác, Thượng nghị sĩ bang Florida, Lori Berman đang tìm cách giải quyết nạn "trượt COVID" trong giáo dục bằng cách đưa ra một dự luật cho phép cha mẹ để con cái của mình học lại một lớp. Theo đó, cha mẹ các học sinh từ mẫu giáo đến lớp 8 được nộp đơn yêu cầu cho con học lại trước ngày 30/6.
Các nghiên cứu cho thấy kết quả học tập của học sinh - đặc biệt là với học sinh da đen, gốc Tây Ban Nha và học sinh nghèo - đã bị ảnh hưởng do đại dịch.
Brazil: Hãng Pfizer xin cấp phép sử dụng vaccine
Ngày 6/2, hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ cho biết đã chính thức đề nghị cơ quan chức năng y tế Brazil cho phép sử dụng loại vaccine ngừa COVID-19 mà họ phát triển cùng với tập đoàn BioNTech của Đức tại quốc gia Nam Mỹ này.
Trong số các tài liệu được Pfizer đệ trình cho cơ quan kiểm duyệt Brazil đánh giá bao gồm kết quả thử nghiệm lâm sàng được thực hiện với 44.000 tình nguyện viên, những người được theo dõi trong thời gian 2 tháng sau khi tiêm 2 mũi vaccine thử nghiệm. Giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng vaccine Cominarty được tiến hành tại 150 trung tâm của Mỹ, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Brazil và Argentina và được đánh giá có tỷ lệ hiệu quả lên tới 95% trên toàn cầu.
Đây là đơn xin cấp phép sử dụng thứ 2 đối với các loại vaccine ngừa COVID-19 tại Brazil, sau khi hãng dược phẩm AstraZeneca cũng thực hiện quy trình tương tự hồi cuối tháng 1 đối với loại vaccine do họ phối hợp với Đại học Oxford nghiên cứu sản xuất.
Nga: Ngày thứ 5 liên tiếp ca mới dưới 17.000
Tại châu Âu, Nga ghi nhận thêm 16.627 người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 85 chủ thể liên bang trong 24 giờ qua, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại Nga lên 3.951.233 người (tăng 0,42%). Như vậy, đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới ở Nga dưới ngưỡng 17.000. Cũng trong ngày qua, Nga ghi nhận 497 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 lên 76.229 người, đồng thời có thêm 22.831 bệnh nhân bình phục, đưa tổng số bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện lên 3.436.326 người.
Hà Lan vượt 1 triệu ca bệnh
Hà Lan đã vượt qua mốc 1 triệu ca bệnh kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Trong vòng 24h tới sáng 7/2, nước này có thêm 4.130 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 1.001.826 người.
Bỉ gia hạn phong toả tới tháng 4
Theo CNN, các biện pháp phong toả tại Bỉ sẽ được gia hạn tới ngày 1/4, tuy nhiên một số hạn chế sẽ được nới lỏng từ 13/2, theo thông báo của Thủ tướng De Croo ngày 6/2.
Các hiệu tóc sẽ được phép mở cửa lại từ 13/2, với những điều kiện nghiêm ngặt, trong khi các quán bar nhà hàng vốn đóng cửa từ tháng 10 năm ngoái vẫn tiếp tục phải đóng cửa.
Châu Á: Trung Quốc cấp phép vaccine Sinovac
Công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) thông báo vaccine ngừa COVID-19 của công ty đã được cơ quan quản lý dược phẩm của Trung Quốc chính thức cấp phép sử dụng rộng rãi sau khi cơ quan chức năng đánh giá những dữ liệu thử nghiệm lâm sàng vaccine trong 2 tháng tại nước ngoài. Đây là loại vaccine phòng COVID-19 thứ 2 được cấp phép sử dụng rộng rãi tại Trung Quốc, sau khi vaccine của Tập đoàn dược phẩm Sinopharm thuộc sở hữu nhà nước được cấp phép hồi tháng 12/2020.
Hàn Quốc nới lỏng giới nghiêm
Hàn Quốc thông báo sẽ nới lỏng lệnh giới nghiêm đối với khoảng 580.000 nhà hàng và doanh nghiệp bên ngoài thủ đô Seoul. Cụ thể, một số doanh nghiệp, như nhà hàng, câu lạc bộ thể thao, bên ngoài thủ đô Seoul sẽ được phép kéo dài thời gian hoạt động thêm 1 giờ đến 22h hằng ngày.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết hơn 70% số bệnh nhân COVID-19 ở nước này là từ khu vực đô thị Seoul và nguy cơ lây nhiễm tại đây vẫn ở mức cao, do đó, các doanh nghiệp tại khu vực này vẫn phải đóng cửa lúc 21h. Ông cũng kêu gọi người dân ở nhà trong dịp nghỉ lễ do lo ngại hoạt động đi lại có thể khiến số ca nhiễm tăng. Nhà chức trách vẫn duy trì lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên đến ngày 14/2 tới.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 393 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 80.524 ca, trong đó có 1.464 ca tử vong do COVID-19.
Đông Nam Á: Indonesia chưa "hạ nhiệt"
Trong một ngày qua, Indonesia, điểm nóng dịch bệnh trong khu vực, phát hiện thêm 12.156 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh COVID-19 lên 1.147.010 ca. Hơn 939.180 bệnh nhân đã được xuất viện và 31.393 người đã tử vong. Virus hiện đã lây lan ra 34 tỉnh thành tại Indonesia.
Thái Lan ghi nhận 490 ca mắc mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia này lên 23.134 ca. Trong số ca mắc mới có 479 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 11 ca nhập cảnh. Tổng cộng 16.274 bệnh nhân COVID-19 tại quốc gia này đã hồi phục và xuất viên, 6.781 bệnh nhân đang điều trị và 79 người tử vong vì dịch bệnh.
Malaysia cũng ghi nhận 3.847 ca mắc mới trong ngày, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 238.721 ca. Trong khi đó, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Malaysia cũng tăng thêm 12 ca lên 857 ca.
Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận 1.941 ca mắc mới, nâng tổng số lên 535.521 ca. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh cũng tăng lên mức 11.110 ca, tăng thêm 52 ca so với một ngày trước đó. Hơn 488.400 bệnh nhân tại Philippines đã hồi phục. Tới nay, Philippines đã tiến hành xét nghiệm cho khoảng hơn 7,55 triệu người trên tổng dân số khoảng 110 triệu người.
Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga thông báo Myanmar đã phê duyệt sử dụng vaccine Sputnik V của Nga phòng ngừa COVID-19, theo đó Myanmar trở thành quốc gia thứ 21 trên thế giới phê duyệt vaccine Sputnik V. Trong tuần này, vaccine Sputnik V của Nga đã được giới khoa học công nhận có hiệu quả phòng ngừa COVID-19 lên tới gần 92% sau khi các kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên quy mô lớn được công bố trên tạp chí y khoa quốc tế uy tín The Lancet.
Số liệu này được các chuyên gia độc lập thẩm định, qua đó khẳng định vaccine do Nga sản xuất là một trong các loại vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả cao nhất hiện nay, cùng với vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna.
Châu Đại Dương: New Zealand có ca nhiễm mới trong cộng đồng
Giới chức y tế New Zealand thông báo đang điều tra một ca nhiễm mới trong cộng đồng trong số những người hoàn thành cách ly bắt buộc tại một cơ sở cách ly ở Auckland dành cho người trở về từ nước ngoài. Đây là ca thứ 4 như vậy trong 2 tuần qua. Ca nhiễm mới này là một người đang tự cách ly tại nhà ở Hamilton, thành phố trên đảo Bắc ở New Zealand. Ngày 30/1 vừa qua, người này đã rời khỏi khu cách ly sau 2 lần có kết quả âm tính với virus.
Giới chức y tế đang phân tích chuỗi gene để xác định xem liệu trường hợp này có nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 từ Nam Phi như 3 trường hợp đó hay không. Đây là những ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng tại New Zealand trong nhiều tháng. Giám đốc Cơ quan Y tế công New Zealand Caroline McElnay đánh giá rủi ro y tế ở mức thấp và người dân tại khu vực trong và quanh Hamilton không cần phải báo động.
Thời gian qua, Bộ Y tế New Zealand đã yêu cầu tất cả những người trở về từ nước ngoài phải cách ly 14 ngày tại khách sạn Pullman ở Auckland. Sau khi trở về nhà, những người này phải tiếp tục tự cách ly thêm 5 ngày.
Australia sẽ tiêm chủng cho 4 triệu dân đến giữa tháng 4
Chính phủ Australia đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 4 triệu người dân vào giữa tháng 4/2021. Hiện các cơ quan y tế nước này đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng. Bộ trưởng Y tế Australia Brendan Murphy cho biết chương trình tiêm chủng có thể sẽ bắt đầu vào cuối tháng 2 tới và hàng triệu liều vaccine sẽ được phân phối trong vòng vài tuần.
Lộ trình tiêm chủng sẽ bắt đầu với 1,4 triệu liều vaccine dành cho các nhóm ưu tiên, bao gồm các nhân viên làm việc trên tuyến đầu chống dịch và những người dễ bị tổn thương nhất, và mục tiêu đề ra là mỗi tuần có thể tiêm chủng cho khoảng vài trăm nghìn người, theo đó 4 triệu trong tổng số hơn 25 triệu người dân Australia sẽ được tiêm chủng vào giữa tháng 4/2021.
Ông Murphy cho biết việc tiêm chủng sẽ được thực hiện tại khoảng 2.000 điểm trên cả nước, tốc độ tiêm chủng phụ thuộc vào nguồn cung vaccine. Các cơ quan y tế Australia sẽ thiết lập một cơ sở dữ liệu quốc gia về chương trình tiêm chủng, trong đó sẽ công khai những tác dụng phụ nếu có của các loại vaccine.