COVID-19 tại ASEAN hết 6/2: Trên 46.600 ca tử vong; Myanmar phê duyệt vaccine Nga

Ngày 6/2, các nước ASEAN ghi nhận trên 18.400 ca mắc COVID-19 và 255 ca tử vong. Toàn khối đã có trên 46.600 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân giãn cách xã hội trong nghi lễ tại nhà thờ ở Manila, Philippines. Ảnh: Straits Times 

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 28.467 ca mắc COVID-19 và 255 ca tử vong.

Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 2.148.124 ca mắc COVID-19 trong đó có 46.674 ca tử vong và 1.819.691 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó riêng Indonesia chiếm phần lớn với 191 ca. Với trên 12.000 ca nhiễm mới, tình hình Indonesia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN với số ca tử vong lên tới trên 31.000 người.

Tình hình Malaysia đang diễn biến căng thẳng chỉ sau Indonesia với trên 3.800 ca nhiễm trong ngày 6/2. Trong khi đó, với ổ dịch tại Samut Sukhon, Thái Lan ghi nhận 490 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh tại nước này đã vượt qua 23.000 người.

Các quốc gia Brunei, Lào, Timor Leste không ghi nhận ca nhiễm mới nào, trong khi Campuchia có thêm 2 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 30/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 6/2/2021 (Theo số liệu của worldometers.info).  

Myanmar phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga

Ngày 6/2, Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga thông báo Myanmar đã phê duyệt sử dụng vaccine Sputnik V của Nga phòng ngừa COVID-19.

Thông báo trên tài khoản Twitter chính thức, quỹ trên xác nhận Myanmar trở thành quốc gia thứ 21 trên thế giới phê duyệt vaccine Sputnik V. Trong tuần này, vaccine Sputnik V của Nga đã được giới khoa học công nhận có hiệu quả phòng ngừa COVID-19 lên tới gần 92% sau khi các kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên quy mô lớn được công bố trên tạp chí y khoa quốc tế uy tín The Lancet.

Số liệu này được các chuyên gia độc lập thẩm định, qua đó khẳng định vaccine do Nga sản xuất là một trong các loại vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả cao nhất hiện nay,  cùng với vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Yangon, Myanmar, ngày 5/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia: Kinh tế vẫn trong thời kỳ suy thoái

Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý IV/2020 đã giảm 2,19%, qua đó cho thấy nền kinh tế nước này vẫn đang trong giai đoạn suy thoái.

Giám đốc BPS Suhariyanto cho biết tính chung cả năm 2020, kinh tế Indonesia giảm 2,07% so với năm 2019, dù chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để vực dậy nền kinh tế. Gần đây nhất, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết nước này sẽ dành 619.000 tỷ rupiah (44,2 tỷ USD) cho Chương trình phục hồi kinh tế quốc gia (PEN) trong năm 2021, tăng so với mức 553.090 tỷ rupiah được thông báo hôm 26/1 và gần bằng mức trần PEN năm 2020 là 659.200 tỷ rupiah.

Đại dịch lan rộng đã ảnh hưởng hơn nữa đến hoạt động kinh tế và hoạt động di chuyển của người dân, từ đó đẩy Indonesia chính thức rơi vào suy thoái, khi kinh tế nước này lần lượt ghi nhận các mức giảm 5,32% và 3,49% trong quý II và quý III/2020.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bali, Indonesia ngày 1/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một ngày qua, Indonesia, điểm nóng dịch bệnh trong khu vực, phát hiện thêm 12.156 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh COVID-19 lên 1.147.010 ca. Hơn 939.180 bệnh nhân đã được xuất viện và 31.393 người đã tử vong. Virus hiện đã lây lan ra 34 tỉnh thành tại Indonesia.

Malaysia kêu gọi sớm hình thành hành lang du lịch ASEAN

Tại cuộc gặp Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin nhân chuyến thăm chính thức tới Indonesia ngày 5/2, Indonesia và Malaysia đã nhất trí thiết lập Hành lang bong bóng du lịch để giúp công dân hai nước dễ dàng di chuyển qua lại vì mục đích du lịch. 

Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần sớm hình thành khuôn khổ Hành lang du lịch ASEAN, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay, tiếp tục thể hiện tính thống nhất và vai trò trung tâm vì sự phát triển bền vững và vì lợi ích chung của khối.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 30/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 6/2 Malaysia ghi nhận 3.847 ca mắc mới trong ngày, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 238.721 ca. Trong khi đó, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Malaysia cũng tăng thêm 12 ca lên 857 ca. 

Singapore: 26 ca nhiễm mới đều là nhập cảnh

Toàn bộ 26 ca nhiễm mới tại Singapore trong ngày 6/2 đều là những người nhập cảnh, được cách ly ngay.  Như vậy tổng số ca nhiễm tại đảo quốc sư tử là 59.675 ca, trong đó có 29 ca tử vong. Hiện nay, Singapore chỉ còn 41 bệnh nhân nằm viện, với 1 trường hợp chăm sóc đặc biệt.

Chú thích ảnh
Singapore đã kiểm soát được ca nhiễm trong cộng đồng. Ảnh: Straits Times

Thái Lan ghi nhận 490 ca mắc mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia này lên 23.134 ca. Trong số ca mắc mới có 479 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 11 ca nhập cảnh. Tổng cộng 16.274 bệnh nhân COVID-19 tại quốc gia này đã hồi phục và xuất viên, 6.781 bệnh nhân đang điều trị và 79 người tử vong vì dịch bệnh. 

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận 1.941 ca mắc mới, nâng tổng số lên 535.521 ca. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh cũng tăng lên mức 11.110 ca, tăng thêm 52 ca so với một ngày trước đó. Hơn 488.400 bệnh nhân tại Philippines đã hồi phục. Tới nay, Philippines đã tiến hành xét nghiệm cho khoảng hơn 7,55 triệu người trên tổng dân số khoảng 110 triệu người.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang và mặt nạ phòng lây nhiễm COVID-19 tại một khu chợ ở Manila, Philippines, ngày 5/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Các ổ dịch COVID-19 nguy hiểm nhất đã được ‘khoá chặt’, không lây ra cộng đồng
Các ổ dịch COVID-19 nguy hiểm nhất đã được ‘khoá chặt’, không lây ra cộng đồng

Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến nay, các ổ dịch COVID-19 nguy hiểm nhất: Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), công ty POYUN, huyện Chí Linh (Hải Dương) cơ bản đã được khống chế và “khóa chặt”, không còn khả năng lây lan cho cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN